hoailinh4rtdv-16220763311381175907452

Nghệ sĩ Kim Cương, Trịnh Kim Chi, Thái Thùy Linh… cho rằng việc quan trọng khi kêu gọi quyên góp thiện nguyện là phải minh bạch, giải ngân kịp thời.

Việc danh hài Hoài Linh chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng khán giả gửi cứu trợ miền Trung làm dấy lên quan tâm về cách hoạt động thiện nguyện của giới showbiz. Nhiều nghệ sĩ nhận định cá nhân, tổ chức vận động quyên góp cần công khai thu chi để khán giả biết đóng góp của họ có được trao đúng người, dùng đúng mục đích.

Tích cực làm từ thiện, Thủy Tiên nói: “Tôi đề cao chuyện minh bạch tiền quỹ”. Ở lần cứu trợ miền Trung năm ngoái, Thủy Tiên từng bị một nhóm khán giả lập fanpage tẩy chay vì cho rằng cô không minh bạch việc dùng tiền. Rút kinh nghiệm, ca sĩ cung cấp các bảng sao kê ngân hàng hơn một triệu lượt chuyển khoản trong nguồn quỹ 177 tỷ đồng quyên góp. Cô cũng đăng biên bản xác nhận có mộc đỏ của chính quyền các cấp tại bảy địa phương đoàn thiện nguyện của cô hỗ trợ. Tương tự, diễn viên Trịnh Kim Chi đều công bố bảng sao kê trên trang cá nhân sau mỗi đợt quyên góp hỗ trợ nghệ sĩ neo đơn – công việc chị làm nhiều năm nay.

Ca sĩ Thủy Tiên trong đợt cứu trợ lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2020. Ảnh: Thủy Tiên fanpage.

Ca sĩ Thủy Tiên trong đợt cứu trợ lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2020. Ảnh: Thủy Tiên fanpage.

Bà Phạm Kim Dung – chủ tịch Câu lạc bộ từ thiện Suối mát từ tâm, quy tụ thành viên là các hoa hậu, người đẹp – cho biết: “Khi trao tiền, chúng tôi nhờ địa phương chuẩn bị sẵn những tấm bảng để công khai con số, đề nghị họ đại diện ký tên xác nhận đã nhận đủ tiền”. Hoa hậu Mỹ Linh – thành viên câu lạc bộ – nói tặng đến đâu, cô và công ty tổng kết, đăng trên trang cá nhân đến đó. “Hành động này không phải là khoe mà để báo cáo, minh bạch tài chính. Ngoài ra, tôi và ê-kíp cũng mời mạnh thường quân đồng hành, cùng trao tiền của quỹ”, hoa hậu nói.

Hoạt động thiện nguyện là việc tốn tâm sức, thời gian, có thể khiến người tham gia quá tải, gặp sai sót nếu không kiểm soát hết các khâu. Vì vậy, bà Dung cho rằng nghệ sĩ nên có ê-kíp đứng sau để hỗ trợ. “Ngoài kêu gọi tiền, chúng tôi chia nhau liên hệ chính quyền, vận chuyển, thu mua lương thực, đóng gói… Những khoản phát sinh như đặt vé máy bay, khách sạn, ăn uống, thuê xe… chúng tôi phải tự lo hết vì không được lấy của quỹ. Nếu không dư dả tài chính và không có nhân sự chuyên nghiệp, các hoa hậu trong câu lạc bộ không tự đi được”, bà Dung nói.

Theo nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, nếu không đủ sức quản lý nguồn tiền, nghệ sĩ nên trao cho các đơn vị bảo trợ xã hội có uy tín. Làm từ thiện gần 50 năm, bà nhận được vô số lời đề nghị đóng góp của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, nghệ sĩ đều nhờ các mạnh thường quân chuyển cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM. Từ đơn vị này, trong mỗi kế hoạch từ thiện, bà đều đảm bảo sự giám sát vì có hóa đơn, chứng từ. Bà nói: “Minh bạch, công khai là việc người tham gia công tác thiện nguyện phải giải quyết đầu tiên. Vài đồng bạc, mình có thể không tham, nhưng vài chục, vài trăm triệu đồng, biết đâu mình lại động lòng. Có người kiểm tra cũng giúp mình yên tâm và lòng mình nhẹ hơn”.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi từng kêu gọi đồng nghiệp giúp tài tử Thương Tín (trái) chữa đột quỵ, ổn định nhà cửa hồi tháng 2. Ảnh: Cẩm Loan.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi từng kêu gọi đồng nghiệp giúp tài tử Thương Tín (trái) chữa đột quỵ, ổn định nhà cửa hồi tháng 2. Ảnh: Cẩm Loan.

Ngoài tính minh bạch, các nghệ sĩ cũng cho rằng công việc từ thiện cần mau chóng, đúng thời điểm, giải quyết kịp thời tình huống cấp bách. Nếu ngâm tiền hay hàng hóa quá lâu, ý nghĩa và giá trị của hoạt động thiện nguyện không còn đúng mục đích kêu gọi ban đầu.

Khi cứu trợ bão lũ miền Trung, nhận được khoản quyên góp đầu tiên, ca sĩ Thủy Tiên lên đường ngay để kịp trao tận tay người đang đói rét vì thiên tai. Cô cho rằng nếu chậm chân, số tiền, quà trao cho người dân không còn hiệu quả. Khi tài tử Thương Tín gặp khó khăn vì bị đột quỵ hồi tháng 2, Trịnh Kim Chi dùng tiền quyên góp giúp ông những khoản cấp bách – như viện phí, phương tiện đi lại…, rồi mới tính đến chuyện lâu dài – như mua bảo hiểm cho con gái ông. Còn Tùng Dương mỗi khi chốt số tiền nhận được, anh giải ngân lập tức bằng cách mua vật phẩm hoặc ủng hộ tiền mặt để kịp thời đáp ứng nhu cầu người cần giúp.

Cả khi chưa có kế hoạch chi tiền, nghệ sĩ cần liên tục thông báo để mạnh thường quân nắm rõ tiến độ. Trong đợt lũ miền Trung năm ngoái, ca sĩ Thái Thùy Linh định giúp một trường mầm non, đã đi khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa hỗ trợ được vì đường sạt lở, dịch diễn biến phức tạp… Cô nhiều lần giải thích về các kế hoạch dự kiến triển khai để các đơn vị ủng hộ thông cảm. Kết thúc mỗi chương trình, cô đều đăng bài tổng kết trên trang cá nhân.

Trở lại câu chuyện Hoài Linh, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM – đánh giá việc danh hài vướng lùm xùm có lẽ cũng do xuất phát từ sự chủ quan của anh. Ông nói: “Họ là nghệ sĩ, đôi lúc cảm tính, chệch choạc về thời gian nên khán giả khó thông cảm”. Ông cho rằng các nghệ sĩ trước khi kêu gọi quyên góp cần nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan về huy động nguồn đóng góp, thời gian phân bổ tiền từ thiện…

Theo VnExpress

One thought on “Nghệ sĩ làm thiện nguyện – minh bạch là việc cấp thiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.