ban-nong-san-2

Với sự bùng nổ của internet cũng như công nghệ như hiện tại, livestream đang trở thành một xu hướng bán hàng với nhiều ưu điểm, hỗ trợ đắc lực cho người nông dân Việt Nam.

Bán hàng qua livestream: Hướng đi mới cho nông sản Việt

Cầm chiếc điện thoại để livestream (bán hàng trực tiếp) qua mạng xã hội là chuyện hiếm có với những người nông dân. Thế nhưng hiện nay, với sự phát triển và phủ sóng mạnh mẽ của công nghệ, bán hàng online qua mạng xã hội đang dần trở thành một kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả, giúp nông dân đến gần hơn với khách hàng của mình mà không cần đi qua thương lái.

Phóng viên của Dân Việt đã có buổi trò chuyện với anh Đoàn Văn Thắng, một người đang trực tiếp hỗ trợ người nông dân bán hàng qua livestream để nghe những chia sẻ và ưu điểm của phương pháp này.

PV: Xin chào anh Thắng, rất cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn của báo điện tử Dân Việt, xin anh giới thiệu một chút về bản thân.

Tôi tên là Đoàn Văn Thắng, sinh năm 1986 hiện đang là giám đốc của công ty Ngon Việt Nam, một công ty chuyên về giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ marketing và tiêu thụ nông sản Việt Nam.

PV: Lý do từ đâu mà anh có ý tưởng thực hiện hoạt động livestream bán hàng cho người nông dân Việt?

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội khiến các nước phải thực hiện cách ly xã hội, mình nhận thấy rất nhiều sản phẩm nông sản và trái cây của người nông dân Việt không thể xuất khẩu. Trong khi năng suất lại rất cao mà thị trường tiêu thụ bị thu hẹp khiến số lượng trái cây và nông sản không bán được và hư hỏng rất là nhiều.

Chứng kiến hình ảnh người nông dân phải đổ bỏ hàng tấn hoa quả, nông sản mà phải vất vả mới thu hoạch được khiến mình thực sự đau lòng. Mình cũng nhận thấy, các hoạt động “giải cứu” nông sản diễn ra chưa thực sự quy củ, còn mang tính tự phát, không giải quyết triệt để được vấn đề tồn đọng nông sản.

Với lợi thế đang sở hữu một sàn thương mại điện tử cùng một công ty về giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ marketing và tiêu thụ nông sản Việt Nam. Cùng với đó là trách nhiệm với cộng đồng, mình đã quyết định thực hiện các hoạt động livestream bán hàng cho người nông dân Việt. Qua hoạt động này mình muốn giới thiệu và giúp người nông dân bán đc nhiều nông sản hơn, tránh tình trạng phải đổ bỏ đầy lãng phí.

PV: Anh có thể cho biết các hoạt động của mình đã tới những tỉnh, thành phố nào?

Tính đến thời điểm hiện tại mình đã tham gia hỗ trợ bán hàng qua hình thức livesteam cho nông dân tại 5 tỉnh thành bao gồm:

– Cam bóc Phủ Quỳ Nghệ An

– Dâu tằm Phúc Thọ Hà Nội

– Mận cơm Sơn La

– Sapo Mexico Tiền Giang

– Bưởi da xanh Tiền Giang

– Dưa lưới Long An

Phương thức bán hàng mới mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân

PV: Hiệu quả bán hàng của những buổi bán hàng này ra sao thưa anh?

Thực sự hiệu quả việc bán nông sản qua livestream là rất lớn. Ví dụ như sau buổi livestream tại Nghệ An, người nông dân đã bán được 72 tấn cam bóc Phủ Quỳ. Hay như tại Sơn La, bọn mình đã giúp người nông dân tiêu thụ được 20 tấn mận cơm chỉ sau một buổi livestream 60 phút.

Chất lượng của các buổi livestream cũng rất cao khi thu hút được hàng nghìn lượt xem, hơn 10 nghìn lượt bình luận cũng như chia sẻ. Đây là con số thực sự ấn tượng cho thấy sự quan tâm đặc biệt cao từ phía người xem khi mình đưa các thông tin hữu ích về nông sản Việt ngay tại vườn của người nông dân.

PV: Việc bán hàng qua livestream có những lợi ích gì cho người nông dân?

Việc bán hàng qua livestream đang là xu hướng trong thời gian tới, không chỉ trong ngành nông nghiệp. Livestream giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận được khách hàng tiềm năng với số lượng và độ phủ lớn hơn bán hàng thông thường rất nhiều vì số lượng người dùng internet và mạng xã hội ở Việt Nam rất lớn.

Bán nông sản qua livestream cũng giúp ích rất lớn cho người mua khi sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn khi tiết kiệm đc rất nhiều chi phí trung gian như marketing, phân phối, cửa hàng. Sản phẩm sẽ tới thẳng tay người tiêu dùng từ vườn của người nông dân.

Buổi livestream bán sản phẩm Cam bóc Phủ Quỳ Nghệ An

Người nông dân bán cũng sẽ có lợi nhuận cao hơn và không bị lo thương lái, chợ đầu mối và chủ cửa hàng ép giá. Cùng với đó việc bán hàng trực tiếp qua livestream giúp nông sản nhanh chóng tới được tay người tiêu dùng, giảm thiểu việc phải sử dụng chất bảo quản, đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng tốt nhất.

Thêm vào đó việc livestream tại vườn giúp người tiêu dùng được trải nghiệm thực tế khung cảnh và nơi sản xuất sản phẩm mình sẽ mua, biết rõ nguồn gốc và quy trình chăm sóc, khi đó người tiêu dùng sẽ tin tưởng mình mua đc đồ nông sản sạch và đặc biệt là của Việt Nam.

Ngoài ra trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bán hàng qua livestream giúp hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

PV: Việc chuẩn bị cho một buổi bán hàng livestream ngay ngoài vườn có gì đặc biệt và khó khăn hơn so với làm trong studio?

Việc chuẩn bị bán các sản phẩm nông sản qua livestream khá dễ dàng và thuận tiện, chỉ cần 1 cái điện thoại có kết nối 4G là ta có thể tiến hành livestream được. Hiện tại có rất nhiều nền tảng có thể livestream bán hàng như: Facebook, Youtube, Tiktok và các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki.

Người nông dân hoàn toàn có thể tự livestream giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản của mình, đây chính là điểm mạnh của việc bán hàng trực tuyến qua livestream hiện nay. Các khâu từ chuẩn bị đến chốt đơn, bán hàng đều khá đơn giản. Điều cần là người nông dân dám làm, dám thay đổi vì tất cả các khâu có thể thực hiện chỉ sau một buổi hướng dẫn.

PV: Việc giao nhận hàng sau livestream có những bất cập hay khó khăn gì không?

Đây chính là điều mình trăn trở nhất, trong khi các hệ thống thương mại điện tử chưa hỗ trợ nhiều cho nông sản tươi vì hạn sử dụng ngắn ngày, chưa có nhiều đối tác có hệ thống phân phối lớn và rộng khắp để hỗ trợ giúp người nông dân.

Các video sau khi livestream tiếp tục được sử dụng trên các nền tảng khác để giúp người nông dân quảng bá sản phẩm

Hiện chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hệ thống phân phối và vận chuyển tạm ổn, còn lại ở các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa bên mình rất khó để ship hàng. Mình rất mong muốn sẽ có nhiều hơn các đơn vị tham gia đồng hành để khắc phục điểm yếu này.

PV: Theo anh rào cản nào đang ngăn cản người nông dân tiếp cận các công nghệ như livestream để bán hàng?

Rào cản lớn nhất là công nghệ, vì người nông dân đa số vẫn là những người lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ với họ vẫn khá khó khăn. Những người nông dân trẻ hay nhà nào có con cháu tiếp cận công nghệ thì tiếp cận sẽ nhanh hơn.

Thêm vào đó là tư duy ngại thay đổi và phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống còn tồn tại trong khá nhiều người. Cùng với đó là chưa nhiều người biết đến phương pháp bán hàng mới này cũng là một lý do lớn.

Các doanh nghiệp như của anh đang đóng vai trò gì trong chuỗi phân phối nông sản hiện nay cho người nông dân?

Vì bên mình làm Media, truyền thông nên chỉ hỗ trợ được phần nào cho người nông dân về mặt công nghệ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Bên mình rất mong muốn sẽ có nhiều đơn vị khác tham gia vào để hỗ trợ cùng, giúp nông sản Việt Nam đi xa hơn nữa, tới tay nhiều người tiêu dùng hơn nữa.

Theo anh trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện tại người nông dân Việt nên nắm bắt cơ hội như thế nào?

Càng ngày càng nhiều người tiếp xúc với công nghệ, với internet nhiều hơn, việc chuyển đổi đang diễn ra nhanh chóng hàng ngày. Người nông dân Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn nhằm “tăng giá trị – giảm đầu vào”. Việc áp dụng khoa học, công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Mình cũng rất mong có thật nhiều đơn vị như bên mình tham gia hỗ trợ người nông dân thì nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, tiệm cận với thế giới, đồng thời làm thay đổi đời sống cho người nông dân Việt.

Cảm ơn anh về buổi trao đổi này!

Theo Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.