
Trong suốt một thời gian dài, người tiêu dùng Việt thường được biết đến với tâm lý ưa khuyến mãi, thích “mua nhiều để dành”, sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm theo trào lưu hơn là xuất phát từ nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một sự dịch chuyển âm thầm nhưng rõ rệt đang diễn ra trong hành vi tiêu dùng: người Việt bắt đầu ưu tiên chất lượng, tính ứng dụng và giá trị sử dụng thực tế hơn là số lượng hay thương hiệu hào nhoáng.
Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng Việt 2024” của NielsenIQ, có đến 63% người được khảo sát cho biết họ ưu tiên chất lượng hơn số lượng khi lựa chọn sản phẩm, trong khi 42% khẳng định thói quen của họ đã chuyển từ mua theo cảm xúc sang mua dựa trên cân nhắc kỹ lưỡng. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng các tiêu chí như độ bền, khả năng sử dụng lâu dài, và đánh giá từ người tiêu dùng khác ngày càng có ảnh hưởng lớn trong quyết định mua sắm.
Một phần nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khi thu nhập của nhiều gia đình bị ảnh hưởng và thói quen tiết kiệm, tiêu dùng có chọn lọc được hình thành rõ rệt. Nhưng đáng chú ý hơn, sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ xu hướng “mua ít nhưng mua đúng” thông qua những nội dung đánh giá sản phẩm chi tiết và thực tế từ các nhà sáng tạo nội dung.
Một trong những người đang góp phần thay đổi tư duy tiêu dùng này là Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1994), hay còn được biết đến với biệt danh Sơn Sợ Vợ, chủ nhân của một kênh TikTok chuyên review đồ gia dụng và sản phẩm mẹ – bé với hơn 500.000 người theo dõi. Khác với nhiều kênh mang tính chất quảng cáo lộ liễu, Sơn lựa chọn xây dựng nội dung theo hướng phản biện, phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng món đồ, giúp người xem “mua có suy nghĩ”.
Điểm nổi bật trong nội dung của Sơn là hệ thống 7 tiêu chí đánh giá cố định, được áp dụng xuyên suốt mọi sản phẩm. Từ vật dụng nhà bếp, đồ điện tử, đến các món hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ, tất cả đều được phân tích theo từng hoàn cảnh sử dụng, đối tượng phù hợp, và mức giá hợp lý. Nhờ xuất phát điểm là người có kỹ năng quay dựng chuyên nghiệp, Sơn tự tay thực hiện toàn bộ các khâu từ lên ý tưởng, ghi hình, biên tập đến đăng tải, giúp video đạt chất lượng hình ảnh tốt, góc nhìn chân thực và trải nghiệm mượt mà.
Từ khi chuyển hướng qua làm review đồ gia dụng, thu nhập của anh Sơn tăng lên đáng kể
“Mình không chạy theo xu hướng hay làm theo các đề xuất của nhãn hàng. Mình chủ động chọn sản phẩm vì thấy hữu ích cho người dùng, đặc biệt là các gia đình trẻ. Mỗi lần giới thiệu, mình đều tự hỏi: Nếu là mình mua món này thì có xài được không?”, Sơn chia sẻ.
Chẳng cần drama hay chiêu trò giật tít thu hút, sự kiên định trong cách làm nội dung giúp Sơn giữ được sự tin tưởng lâu dài của cộng đồng. Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ không chỉ xem video để mua sản phẩm, mà còn học được cách đặt câu hỏi trước khi tiêu tiền. Một người theo dõi để lại bình luận: “Anh Sơn không nói ngọt, không phô trương, nhưng những review của anh luôn trúng tâm lý của các bà mẹ như em. Không phí tiền nữa, nhờ anh đó.”
Kênh TikTok của Sơn không chỉ đơn thuần là nơi đánh giá sản phẩm. Nó trở thành một góc nhỏ dạy người ta cách tiêu dùng thông minh: biết cái gì cần mua, biết cách phân biệt giữa nhu cầu và ham muốn, biết tôn trọng giá trị của một món đồ qua thời gian sử dụng chứ không chỉ qua giá thành. Anh cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng tiêu dùng không đơn thuần là hành vi kinh tế, nó còn là lựa chọn có đạo đức và trách nhiệm cá nhân.
Anh Nguyễn Văn Sơn: “ Tôi hạnh phúc khi bản thân giúp thay đổi hành vi mua sắm của mọi người theo một hướng tích cực”
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2023 có hơn 28% người tiêu dùng Việt từng mua phải sản phẩm không đúng như quảng cáo, và gần 35% người mua online cảm thấy không hài lòng với món đồ mình nhận được. Những con số này không chỉ là chỉ báo về chất lượng hàng hóa, mà còn cho thấy khủng hoảng niềm tin ngày một lan rộng trong hành vi tiêu dùng. Trong bối cảnh ấy, việc những nhà sáng tạo như Sơn Sovo kiên trì theo đuổi con đường minh bạch, dù không phải con đường dễ đi, chính là điều góp phần làm nên sự chuyển biến tích cực.
Không chỉ dừng lại ở việc review, Sơn Sovo cũng duy trì một triết lý xuyên suốt: “Mua vì cần, không vì muốn”, và anh truyền tải điều đó qua từng video, từng lựa chọn sản phẩm.
“Tiêu dùng thông minh không phải là tiết kiệm một cách khổ hạnh, mà là sống có mục tiêu rõ ràng, làm chủ những gì mình đưa vào cuộc sống của mình”, anh khẳng định.
Trong một thị trường đang ngập tràn quảng cáo trá hình, review dối trá và lạm dụng hình ảnh người nổi tiếng, thì việc một người như Sơn Sovo giữ được sự độc lập và thẳng thắn trong từng sản phẩm mình nói đến – chính là minh chứng cho việc: người tiêu dùng Việt đang thay đổi, và những người làm nội dung tử tế đang dẫn đường.
PV