2019-08-24_08h06_22

Sách “Trâu trong văn hóa Việt Nam đôi điều tản mạn” cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, thông tin thú vị về con trâu trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Trâu là động vật có sức mạnh dẻo dai, biểu tượng cho sự cần cù, chăm chỉ và chất phác. Trong 12 con giáp (thập nhị chi), trâu gọi là Sửu, biểu tượng cho một năm, đứng ở vị trí thứ 2 sau chuột (Tý) và trên 10 con vật khác. Trâu cũng là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà lợn) và có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước…

Trau trong van hoa Viet Nam anh 1
Sách Trâu trong văn hóa Việt Nam đôi điều tản mạn. Ảnh: M. C.

Hơn 40 đầu sách, tư liệu được nghiên cứu

ỞViệt Nam, trâu đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần từ bao đời nay. Theo các di chỉ khảo cổ, hàng vạn năm trước, người Việt cổ đã thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà và biến nó trở thành con vật gần gũi, thân thiết.

Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với người nông dân, lũy tre làng đã khắc sâu trong tâm thức của bao thế hệ người Việt.

Hình ảnh con trâu cũng có mặt ở mọi mặt của đời sống tinh thần của người Việt và được thể hiện trên nhiều phương diện từ văn học, hội họa, phong tục, đến ẩm thực…

Với mong muốn góp thêm những góc nhìn khác nhau về con trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt, tác giả Lê Thái Dũng đã tập hợp, chọn lọc khoảng 40 đầu sách, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam liên quan đến con trâu. Trên cơ sở đó, ông chắt lọc, xử lý thông tin để viết thành cuốn Trâu trong văn hóa Việt Nam đôi điều tản mạn. Cuốn sách này vừa được NXB Tài chính phát hành giữa tháng 1.

Trâu trong văn hóa Việt Nam đôi điều tản mạn cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, thông tin thú vị về con trâu trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến như: Một số tập tục liên quan đến con trâu; Pháp luật xưa xử lý trâu bò vật nuôi gây hại như thế nào; Các vị vua Việt Nam tuổi Sửu; Những vị tam khôi cầm tinh con trâu; Đế vương, danh tướng nước Việt và một số giai thoại về trâu; Chuyện dùng trâu trong chiến trận; Xuất xứ một số tên gọi, địa danh dính dáng đến trâu…

Ngoài ra cuốn sách còn có phần đọc thêm cung cấp một số nội dung như: Những điều nên biết về Kim Ngưu; Vè con trâu; Cúng vía trâu và gọi vía trâu; Vài nét về hình tượng trâu trong văn hóa thế giới.

Trau trong van hoa Viet Nam anh 2
“Trâu lửa” – trận đánh gắn liền tên tuổi của Nguyễn Hữu Cầu.

Những góc nhìn về trâu trong đời sống

Trong phần “Con trâu trong văn hóa Việt Nam”, sách cho biết những di chỉ khảo cổ về trâu cách nay trên dưới 10.000 năm. Đồng thời làm rõ những dấu ấn của con trâu trong nền văn hóa Việt Nam, từ phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, đến hình ảnh con trâu trong đời sống văn học, mỹ thuật…

Qua phần này bạn đọc có thể tìm hiểu nghi lễ trả ơn – cho trâu ăn Tết – trong Tết Xíp xí của người Thái Trắng; tục chúc phúc trừ tà – dùng hình trâu dán ở chuồng trâu – để trừ tà, tránh bị bệnh tật của người Tày; tục hôn nhân của người Thổ đồ dẫn cưới của nhà trai phải có một con trâu…

Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu hình ảnh con trâu trên các công trình kiến trúc đình đền chùa, tranh dân gian, các câu truyện ngụ ngôn, giai thoại liên quan đến trâu…

Trong phần “Nguồn gốc xuất xứ tục chọi trâu ở một số địa phương”, sách cho biết một số hoạt động trong lễ hội chọi trâu ở một vùng miền trong cả nước. Bạn đọc có thể tìm hiểu những nguồn gốc xuất xứ, nét riêng, độc đáo của tục chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Lập Thạch, Vình Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ).

Ở phần “Ý nghĩa của việc dâng trâu đất trong tiết lập xuân xưa”, bên cạnh việc đề cập những ghi chép về nghi lễ trong chính sử, sách nhắc lại nhiều tục lệ, lễ nghi dần dần mai một. Những nghi lễ vừa mang tính cung đình, vừa đậm nét tính dân gian.

Còn “Trong phần Luật xưa xử lý trâu bò vật nuôi gây hại như thế nào”, bạn đọc có thể tìm hiểu những quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu, quản lý trâu để xảy ra những thiệt hại cho con người trong các bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật), Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), trong các bản hương ước làng xã.

Bên cạnh đó, bạn đọc có dịp tìm hiểu thêm những quy định tương tự trong luật tục của người Ê đê, người K’ Ho Lạch, người Srê…

Ở phần các vị vua tuổi Sửu, bạn đọc có dịp tìm hiểu những thông tin về các vị vua Lê Đại Hành (Tân Sửu, 941), Trần Duệ Tông (Đinh Sửu, 1337), Trần Phế Đế (Tân Sửu, 1361), Lê Thái Tổ (Ất Sửu, 1385), Bảo Đại (Quý Sửu, 1913)… trong sử sách và các giai thọai…

Còn trong phần “Chuyện dùng trâu trong chiến trận”, bạn đọc có dịp tìm hiểu chiến thuật dùng trâu trong chiến tranh như sử dụng vào việc uy hiếp tinh thần, làm khiếp đảm quân thù, dùng trâu gây thương vong cho đối phương trong sách Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó bạn đọc cũng được tìm hiểu một số trận đánh dùng “trâu lửa” được đề cập trong sử sách và một số cuộc khởi nghĩa nông dân sử dụng trâu như cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu…

Chia sẻ về quá trình viết cuốn sách này, tác giả Lê Thái Dũng cho biết từ khi có ý tưởng đến khi sưu tầm và thực hiện cuốn sách này, ông đã xác định mình sẽ tìm những tư liệu hữu ích để đóng góp thêm một số kiến thức, thông tin, những điều lí thú về con trâu cho bạn đọc.

Ông cũng hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ góp phần làm rõ hơn vị trí của con trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam.

Theo Zingnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.