1_sozg

Theo chuyên gia, cân bằng giữa công việc với cuộc sống là chu trình phải thực hiện liên tục và có thể duy trì bằng 5 bước.

Dù có nhiều bằng chứng rằng làm việc nhiều giờ có thể ảnh hưởng xấu cho cả nhân viên lẫn nhà tuyển dụng, nhưng việc làm sao để thoát khỏi nguy cơ đó và đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều không dễ dàng.

Để đi tìm câu trả lời, nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Ioana Lupu tại Trường Kinh doanh ESSEC (Pháp) và Mayra Ruiz-Castro, Giảng viên Cao cấp tại Đại học Roehampton (Anh) đã thực hiện gần 200 cuộc phỏng vấn toàn diện cùng 78 chuyên gia tại London của một công ty luật quốc tế và một công ty kế toán. Họ phỏng vấn cả nam lẫn nữ, số lượng bằng nhau, hầu hết trong độ tuổi từ 30 đến 50, phải nuôi ít nhất một đứa con và ở vị trí quản lý cấp trung hoặc cấp cao.

Đa số những người được phỏng vấn diễn tả công việc là đòi hỏi cao, mệt mỏi và rối loạn. Họ thường cho rằng làm việc nhiều giờ là điều cần thiết để đạt được thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 30% nam và 50% nữ trong cuộc phỏng vấn dường như có ý định chống lại làm việc nhiều giờ, đưa ra một loạt các chiến lược nhằm duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đúc kết ra một quy trình chung để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều quan trọng đây không phải là giải pháp khắc phục một lần, mà là chu trình cần thực hiện liên tục. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, các bước nào được ưu tiên sẽ thay đổi. Sau đây là 5 bước được đề xuất.

Tạm dừng và suy ngẫm

Hãy nghỉ ngơi và tự hỏi: Điều gì đang khiến tôi căng thẳng, mất căng bằng hoặc không hài lòng? Những tình huống này đang ảnh hưởng đến cách tôi làm việc và gắn bó với công việc như thế nào? Chúng đang tác động đến cuộc sống cá nhân của tôi ra sao? Tôi đang đặt ưu tiên cho việc gì? Tôi đang hy sinh những điều gì? Điều gì đang bị mất dần đi?

Chỉ sau khi tạm dừng suy nghĩ và thừa nhận những yếu tố này, bạn mới có thể bắt đầu giải quyết chúng. Nhiều người có cuộc sống rất bận rộn. Một số nói rằng họ thường không có thời gian hoặc sức lực để dừng lại và suy ngẫm.

Thông thường, những khoảnh khắc dừng lại và suy ngẫm sẽ tự nhiên đến khi ta trải qua một sự kiện quan trọng như một đứa trẻ ra đời hay mất đi một người thân. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chủ động tạm dừng và bắt đầu suy nghĩ lại các ưu tiên trong đời vào bất cứ lúc nào. Và cho dù bạn có thể thấy ổn với thời gian làm việc dài, thì vẫn nên dành thời gian suy nghĩ về những câu hỏi này và thừa nhận những đánh đổi mà bạn đã thực hiện. Điều này sẽ hữu ích cho bất kỳ ai đang muốn tìm hiểu thêm cách sống và làm việc khác.

Tạm dừng lại để suy ngẫm về trải nghiệm bản thân là bước đầu để tìm lối thoát cho sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ảnh: Pixabay.

Tạm dừng lại để suy ngẫm về trải nghiệm bản thân là bước đầu để tìm lối thoát cho sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ảnh: Pixabay.

Chú ý đến cảm xúc cá nhân

Khi nâng cao được nhận thức về tình huống hiện tại, hãy kiểm tra xem bạn cảm thấy tình huống đó như thế nào. Hãy tự hỏi bản thân, tôi có cảm thấy đầy năng lực, thỏa mãn, hài lòng không? Hay tôi cảm thấy tức giận, bất bình, buồn bã?

Sự hiểu biết về các quyết định và ưu tiên trong cuộc sống là quan trọng. Nhưng quan trọng không kém là khả năng phản xạ cảm xúc. Nghĩa là khả năng nhận biết tình huống đang ảnh hưởng đến cảm giác bản thân như thế nào. Nhận thức trạng thái cảm xúc là điều cần thiết để xác định những thay đổi bạn muốn thực hiện trong công việc và cuộc sống.

Định hướng lại

Nâng cao nhận thức về cảm xúc và kinh nghiệm cho bạn phương tiện cần thiết để đánh giá đúng tầm quan trọng của mọi thứ, cũng như xác định các ưu tiên cần được điều chỉnh như thế nào.

Hãy tự hỏi: Tôi sẵn sàng hy sinh điều gì và trong bao lâu? Ví dụ, nếu đang ưu tiên công việc hơn gia đình, tại sao tôi cảm thấy ưu tiên cuộc sống theo cách này là quan trọng? Có thực sự cần thiết? Tôi hối tiếc điều gì và sẽ hối tiếc điều gì nếu tôi tiếp tục theo phương hướng như hiện tại?

Các ưu tiên của chúng ta thường thay đổi nhanh hơn thói quen hàng ngày. Trong nghiên cứu, những người tham gia phỏng vấn mà mong đạt sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tích cực hơn đều cố tình sắp xếp lại cách sử dụng thời gian theo hướng phù hợp với các ưu tiên thực sự.

Xem xét các lựa chọn thay thế

Trước khi bắt đầu các giải pháp, hãy suy xét đến khía cạnh trong công việc và cuộc sống khác nhau để định hướng phù hợp với các ưu tiên tốt hơn. Liệu có những phần nào trong công việc bạn muốn thay đổi không? Bạn muốn dành bao nhiêu thời gian cùng với gia đình hoặc cho sở thích? Theo lời trình bày của người tham gia phỏng vấn, việc cải thiện tình hình cần có thời gian và thử nghiệm:

“Chẳng hạn như con trai tôi hiện giờ được 2 tuổi, có lẽ đến tận bây giờ tôi mới tìm ra được cách cân bằng giờ giấc làm việc và phải mất thời gian dài như vậy – có lẽ lâu hơn dự định, để đạt được”, Michael, một giám đốc kiểm toán cho biết.

Thực hiện các thay đổi

Sau cùng, khi bạn nhận rõ các ưu tiên và cân nhắc cẩn thận những tùy chọn có thể giúp bạn cải thiện, đã đến lúc hành động. Đó có thể là một cuộc thay đổi “công khai”, chẳng hạn như đảm nhận vai trò mới với mục đích ít tốn thời gian hơn, hoặc thay đổi “riêng tư”, trong đó bạn thay đổi cách làm việc một cách không chính thức, cũng không nhất thiết phải cố gắng thay đổi các kỳ vọng của đồng nghiệp.

Nghiên cứu cho rằng, cả thay đổi công khai lẫn riêng tư đều có thể là những chiến lược hiệu quả, miễn là chúng được thực hiện một cách đều đặn. Với những thay đổi riêng tư, điều đó có nghĩa là bạn tự đặt ra ranh giới (chẳng hạn như chọn không làm việc vào buổi tối, cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ và kiên trì thực hiện quyết định đó), hoặc từ chối các yêu cầu thường gắn với vai trò của bạn (chẳng hạn như các dự án mới hoặc yêu cầu đi công tác, ngay cả khi bạn bị ép phải thực hiện chúng).

Đối với những thay đổi công khai, thay vì chỉ nói với cấp trên là bạn cần nhiều thời gian nghỉ hơn hoặc giờ làm việc linh hoạt hơn, việc tìm được sự hỗ trợ từ người cố vấn chính, đối tác và đồng nghiệp, hoặc thậm chí cách tốt hơn, chính thức nộp đơn xin chuyển qua vị trí nội bộ mới hay lập kế hoạch làm việc linh hoạt, có khả năng dẫn đến thay đổi lâu dài hơn.

Điều quan trọng, 5 bước nêu trên không thể đạt được hiệu quả chỉ trong một lần, mà là một chu trình đánh giá lại và cải tiến liên tục. Đặc biệt, nếu bạn đang chịu ảnh hưởng nền văn hóa quá áp lực về thời gian làm việc dài, rất dễ nhận thấy “mọi việc đâu sẽ vào đấy”, dù đó là quyết định có ý định hay vô thức.

Trong cuộc phỏng vấn, các chuyên gia nhận thấy, để tạo được những thay đổi trong cuộc sống, mọi người phải thường xuyên dừng lại, để ý đến cảm xúc cá nhân, ngẫm lại các ưu tiên, đánh giá lựa chọn thay thế và thực hiện thay đổi – trong suốt cuộc sống cá nhân và công việc.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.