24/11/2024
2341703-img-001

(BVPL) – Sau nhiều chục năm hầu như vắng bóng, thậm chí có nghi hoặc về khả năng tuyệt chủng, các nhà khoa học đã tái phát hiện loài Trà mi Langbiang (Camellia langbianensis), thực vật đặc hữu của Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà. Tuy vậy, đây chỉ là một trong số các thông tin bất ngờ về thực vật tại vườn quốc gia này.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Đà Lạt và VQG Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng) vừa công bố trên tạp chí chuyên ngành thực vật Phytotaxa những phát hiện trở lại về loài Trà mi Langbiang (Camellia langbianensis), thực vật đặc hữu của VQG Bidoup-Núi Bà.

Mẫu vật Trà mi Langbiang đầu tiên được nhà sưu tập thực vật người Pháp M. Eug. Poilane tìm ra đầu năm 1931 tại khu vực núi Langbiang. Tuy nhiên, nhiều chục năm qua, hầu như không có mẫu vật khác được nghiên cứu hay đề cập. Thậm chí các nhà khoa học nghi hoặc về khả năng loài này tuyệt chủng.

Đây chỉ là một trong số những phát hiện bất ngờ về quần thể thực vật tại vùng rừng thuộc VQG Bidoup-Núi Bà.

Loài Trà mi Langbiang (Camellia langbianensis) tái phát hiện tại VQG Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng). Ảnh: baolamdong.

Tháng 4/2020, các nhà khoa học Đài Loan và Việt Nam đã công bố 2 loài lan mới là Thanh thiên quỳ pubilabia (Nervilia pubilabia T.C. Hsu, C.W. Chen & Luu) và Khúc thần sagittate (Panisea sagittata T.C. Hsu, H.C. Hung & Luu); đồng thời có 3 ghi nhận mới về các loài lan ở cao nguyên Langbiang.

Lan Thanh thiên quỳ pubilabia là loài đặc hữu của Việt Nam, thân thảo mọc trên đất, chiều cao đạt đến 12 cm, phân bố ở độ cao từ 800 – 1000 m so với mực nước biển. Lan Thanh thiên quỳ pubilabia hiện chỉ được ghi nhận tại khu vực cao nguyên Langbiang với ước tính chỉ có 100 cá thể trưởng thành.

Sa nhân mấu sudae (Meistera sudae), một loài mới VQG Bidoup-Núi Bà được công bố năm 2019. Nguồn: SIDA/Phytotaxa.

Lan Khúc thần sagittate (Panisea sagittata T.C. Hsu, H.C. Hung & Luu) cũng là loài đặc hữu của Việt Nam, là loài thân thảo, phụ sinh cao từ 5 – 10 cm, phân bố ở độ cao 1700 -1900m.

Ba loài lan ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam tại cao nguyên Langbiang bao gồm: lan Thủ thư tortilacinia (Cheirostylis tortilacinia C.S. Leou); lan Gấm đất reticulata (Goodyera reticulata Blume) và lan Corybas geminigibbus J.J.Sm. Các loài lan trên phát hiện mọc ở các độ cao khoảng 1.200 m, 1750m và 1800m với số cá thể rất hạn chế.

Nam mộc hương bidoup (Aristolochia bidoupensis) VQG Bidoup-Núi Bà công bố năm 2016. Ảnh: Đỗ Văn Trường/Helsinki.

Trong 15 năm qua, có hơn 50 loài động- thực vật mới được mô tả tại VQG Bidoup-Núi Bà. Riêng từ 2011 đến 2019, có 15 loài thực vật mới được mô tả, bao gồm Đa tử trà hương (Polyspora huongiana), Trà cành dẹt (Camellia Inusitata), Dạ hợp bidoup (Magnolia bidoupensis), Xà Thảo tristylatus (Ophiopogon tristylatus), Súm Hòn giao (Adinandra hongiaoensis),..

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang mà vùng lõi là VQG Bidoup-Núi Bà được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, hiện đã ghi nhận hơn 2.000 loài thực vật có mạch. Riêng các loài thuộc họ lan (Orchidaceae) đã ghi nhận được hơn 300 loài, gồm nhiều loài đặc hữu, có vùng phân bố hẹp. Theo đánh giá của các nhà khoa học, những loài này rất dễ bị tổn thương, dễ bị tuyệt chủng do mất sinh cảnh và biến đổi khí hậu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.