20/04/2024
9732a817d9b838ac0a67d03852ffc2b2

Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) là vùng đất của sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hùng vĩ, mạnh mẽ của núi rừng cùng nét lãng mạn, nên thơ khi bước vào mùa cỏ lau nở rộ

Bình Liêu có độ cao trung bình 500-600 m so với mực nước biển. Ở đây có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m như Cao Xiêm, Cao Ly, Cao Ba Lanh… đã tạo ra quang cảnh mây núi đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Ngoài ra, được thiên nhiên ưu ái, nên khí hậu của huyện Bình Liêu luôn ôn hòa. Nơi đây, hầu như mùa nào cũng đẹp và nên thơ với nhiều điểm tham qua như: Thác Khe Vằn, Khe Tiền; đỉnh Lục Nà; hồ Đá Thần, sống lưng “khủng long”…

Mùa thu ở Bình Liêu bắt đầu từ đầu tháng 9 đến hết tháng 11, đây là khoảng thời gian lãng mạn nhất và đẹp nhất trong năm. Đến Bình Liêu, bạn sẽ cảm thấy phấn khích trước cảnh đồi núi trùng điệp xanh, chạy tít tắp về phía chân trời; những thác nước tung bọt trắng xóa giữa đại ngàn; cánh đồng lau nở ngợp cung đường biên giới… Hít hà không khí se se lạnh, trong trẻo là trải nghiệm tuyệt vời của du khách khi đến Bình Liêu trong tiết thu.

Du ngoạn Bình Liêu, thêm yêu đất nước - Ảnh 1.

Con đường dẫn lên cột mốc 1305 (Ảnh: Huy Tùng)

Khi đến Bình Liêu, bạn hãy dành thời gian đi dọc tuyến đường tuần tra biên giới từ xã Đồng Văn đến xã Vô Ngại. Trời trong xanh cao vời vợi, từng ánh nắng chiếu rọi trên những cung đường và bản làng người Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng… bình yên, xinh xắn.

Bình Liêu có đường biên giới dài hơn 40 km. Do đó cột mốc biên giới cũng là một “đặc sản” của vùng đất này. Hầu hết những cột mốc đều nằm trên cung đường biên giới độc đạo mệnh danh “Nam quốc sơn hà” cao hơn 700 m so với mặt nước biển, quanh co uốn lượn trên những quả đồi xanh ngắt.

Bình Liêu có tổng cộng 64 cột mốc nhưng có 4 cột mốc đặc biệt là 1300, 1302, 1305 và 1327 mà du khách không thể bỏ qua.

Với cột mốc 1300, 1302, từ thị trấn Bình Liêu, bạn chạy về hướng cửa khẩu Hoành Mô trên Quốc lộ 18C tới bản Ngàn Chuồng. Từ bản này, rẽ trái theo hướng mốc 61 chừng 8 km là đến mốc 1300, 1302. Thời gian di chuyển khoảng 1 giờ.

Tiếp đó, bạn tiếp tục chinh phục mốc 1305. Đây là cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất trên dãy Bình Liêu Lĩnh. Muốn “check in” mốc 1305, bạn cần chuẩn bị tinh thần và sức khỏe để đi bộ qua một con đường mòn nằm giữa núi, được dân phượt gọi là “sống lưng khủng long”. Thời gian leo lên và nghỉ ngơi nhanh nhất khoảng gần 2 giờ nếu thời tiết thuận lợi.

Trước đây, con đường lên đỉnh hoàn toàn bằng đất và chỉ có một hàng dây xích nối các trụ sắt với nhau, phục vụ các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra, canh gác. Sau này, khi các cột mốc trở thành điểm tham quan của khách du lịch thì con đường mòn đã được đầu tư xây dựng thành một đường thang bộ với chiều dài lên đến hơn 2.000 bậc.

Du ngoạn Bình Liêu, thêm yêu đất nước - Ảnh 2.

Cột mốc 1300 (Ảnh: Huy Tùng)

Cung đường chinh phục cột mốc 1305 cũng chính là cung đường với hai bên cỏ lau đẹp thơ mộng, tuyệt mỹ như một phần thưởng cho những ai kiên trì, mong muốn một lần đặt chân tới cột mốc được đặt ở vị trí cao nhất tại Bình Liêu. Đứng trên đỉnh cao, chiêm ngưỡng non song gấm vóc đất nước bỗng thấy mình thật nhỏ bé và cảm phục trước những hy sinh, vất vả của cha ông đã gìn giữ, xây dựng mảnh đất biên cương phía Bắc này.

Một cán bộ biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã chia sẻ với chúng tôi rằng trước khi có những cột mốc biên giới, công tác quản lý của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi trùng điệp, sông suối chia cắt, đồng bào các dân tộc của hai bên biên giới có phong tục tập quán đan xen nên việc sinh sống và đi lại có sự tự do nhất định. Điều này cũng làm cản trở quá trình phân định lãnh thổ và bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên.

“Để có được thành quả là con đường tuần tra biên giới cùng những cột mốc ngày nay là cả quá trình đấu tranh gian khổ ròng rã suốt gần 30 năm. Biết bao mồ hôi, xương máu của các đơn vị công binh phá núi, mở đường; của các dân tộc thiểu số anh em cùng chung tay dẫn đường, vạt rừng, vác đá giúp bộ đội đưa cột mốc lên đỉnh núi cao, đã tạo nên những nét chấm đánh dấu biên cương, chủ quyền của đất nước” – người cán bộ biên phòng chia sẻ.

Rải bước trên con đường bê-tông dài rộng thênh thang trên mảnh đất biên thùy Bình Liêu, ngắm nhìn những bước chân tung tăng, vui đùa của lũ trẻ và sự vững chãi tay súng của những người lính quân hàm xanh, du khách đến từ phương xa như chúng tôi cảm thấy chẳng cần ngắm đồi lau rực rỡ trong ánh tà dương hay thả hồn với mây trời cũng thấy sự tự hào, hãnh diện đang ngập tràn trong lồng ngực. 

Theo Huy Tùng/ nld.com.vn

One thought on “Du ngoạn Bình Liêu, thêm yêu đất nước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.