Càng ngày, thế giới mạng càng “nhiễu sóng” thông tin, nhất là khi cả nước bước vào đợt dịch COVID-19 cao điểm như hiện nay, thông tin xấu độc lại càng được dịp phát tán trên mạng. Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng dễ nhất là trẻ em và học sinh khi được nghỉ học dài ngày ở nhà.
Nghìn lẻ chiêu trò
Thống kê từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba trong cộng đồng, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi của phụ huynh phản ánh gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu, độc hại trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.
Rất nhiều các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số xuyên biên giới.
Chủ nhân của những tài khoản này thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình “xé rào” quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem, trong đó có nhiều kênh xác định nhắm vào đối tượng trẻ em.
Điều này được phản ánh rõ qua sự việc Youtuber Thơ Nguyễn. Không chỉ Thơ Nguyễn, hàng loạt kênh khác như NTN Vlogs với các nội dung không lành mạnh nhan nhản trên mạng: “đóng giả khủng bố IS để quăng bom”, thả 100 con dao nhọn từ trên cao xuống đất…; kênh PHD Troll với nhiều clip phản cảm, lãng phí như đổ 200 quả trứng vào đầu người lạ, ăn sống cua hoàng đế…; kênh ẩm thực Tam Mao làm thịt chim lạ, ngược đãi động vật, nấu cháo gà nguyên lông…; Prank HD chia sẻ các nội dung giật gân như “hút thuốc lá bằng mũi”, “24h sống trong quan tài”…
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Giai đoạn gần đây, Khoa Sức khoẻ vị thành niên đã gặp một số trường hợp trẻ dùng mạng xã hội quá mức như: Truy cập, xem các video không phù hợp lứa tuổi, thời gian sử dụng quá dài… dẫn đến các rối loạn khá trầm trọng. Thậm chí có những trường hợp trẻ bị tái phát nhiều lần. Khi vào viện, có trẻ đã có các biểu hiện hành vi kích động, rối loạn lo âu, trầm cảm… Ở những trẻ này thường do phát hiện muộn, gia đình không kiểm soát được việc sử dụng internet của trẻ ngay từ đầu, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn”.
Phạt hành chính vẫn không hiệu quả
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) hiện đang phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) hoàn thiện đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng, trong đó đưa kỹ năng sử dụng mạng xã hội vào giảng dạy, cụ thể là lồng ghép vào môn Tin học.
Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị phát triển các ứng dụng lọc tin xấu độc, cảnh báo không an toàn với trẻ em.
Trước đó, từ cuối năm 2020, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã hợp tác với YouTube để ngăn chặn và xử lý các kênh đăng tải video vi phạm thuần phong mỹ tục, hạn chế bật chức năng kiếm tiền của những nội dung nhảm nhí.
Theo đó, 29.009 video vi phạm pháp luật đã bị gỡ bỏ, hàng ngàn video có nội dung không phù hợp khác bị xóa khỏi nền tảng. Facebook cũng đã gỡ 2.311 bài viết và 330 fanpage về quảng cáo game, cờ bạc, đổi thưởng cùng 2.200 link quảng cáo hoạt động buôn bán, dịch vụ bất hợp pháp.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 181 năm 2013 về quảng cáo.
Trong đó có bổ sung quy định là những người cung cấp nội dung quảng cáo xuyên biên giới không chỉ tuân thủ nội dung quảng cáo mà còn phải quản lý cả nội dụng khi phát trên mạng và phải có khả năng kiểm soát, ngăn chặn, gỡ bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm đăng phát trên nền tảng của mình.
Đồng thời là việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam. Tuy nhiên, việc phạt tiền, phạt hành chính hay ngăn chặn các kênh chỉ có thể hạn chế được phần nào vấn nạn.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Như Quỳnh, sáng lập viên CyberKid Vietnam – một tổ chức xã hội thành lập từ tháng 10/2020 với định hướng tổ chức các hoạt động hướng dẫn cho học sinh tại Hà Nội đã tổ chức được 151 lớp học An toàn Thông tin trên Không gian mạng cho 8 trường THCS và Tiểu học tại Hà Nội cho biết:
Những nội dung, thông tin xấu độc không phải là một vấn đề mới trên không gian mạng. Chúng đã xuất hiện rất nhiều kể từ khi các nền tảng mạng xã hội, xem video trực tuyến kể từ năm 2014 khi Facebook và Youtube (2 nền tảng thông tin nước ngoài nhiều lượt truy cập nhất tại Việt Nam) bùng nổ ở Việt Nam.
Cho đến thời gian gần đây (từ năm 2020), khi các thủ đoạn tấn công người dùng bằng thông tin xấu độc ngày càng tinh vi hơn dẫn đến nhiều hậu quả lớn, cũng như người dân Việt khi sử dụng mạng xã hội (MXH) cũng dần trở nên thông thái hơn – có khả năng tự nhận diện thông tin xấu độc để báo cáo lên các cơ quan chính quyền và truyền thông thì lúc này mới tạo ra một làn sóng nhận thức lớn về vấn đề này trong cộng đồng.
Hiện tại, đã có những cơ quan chức năng như Cục An toàn thông tin sử dụng công nghệ để rà soát, tìm kiếm các nội dung xấu độc.
Tuy nhiên, các công nghệ này chỉ có thể quét chữ, quét keywords, chứ chưa có khả năng rà soát nội dung videos (cần công nghệ speech-to-text để nghe video nhưng công nghệ này trên thế giới vẫn chưa hoàn thiện), trong khi trẻ hiện tại đang gặp rất nhiều nguy cơ đến từ các nền tảng phát video.
Cách duy nhất là để lọc thông tin cho trẻ là rà soát bằng con người để tổng hợp và cho vào danh sách cấm truy cập. Dù Facebook, Youtube, hay Instagram các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện cũng cũng đã có những đội ngũ chuyên lọc tin xấu độc rồi, chỉ là số lượng thông tin ở được upload lên Internet mỗi phút quá lớn, họ cũng không kiểm soát hết được.
“Để các nền tảng nước ngoài tuân thủ việc lọc tin xấu, cách duy nhất là xây dựng luật rõ ràng quy định về vấn đề này với họ. Còn hiện tại mới chỉ dừng ở mức kêu gọi nên không có hiệu quả” – bà Quỳnh nói.
Theo Tạp chí Thương gia & Thị trường