shipper

Thống kê cho thấy ít nhất 60.000 thạc sĩ Trung Quốc làm nhân viên giao hàng cho Meituan. Khoảng 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học.

Theo South China Morning Post, báo cáo của Meituan – nền tảng mua bán và giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc – cho thấy trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 thạc sĩ và 170.000 cử nhân Trung Quốc trở thành nhân viên giao hàng. Ước tính 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học, tăng 6,7% so với năm trước đó.

Tính đến năm 2019, khoảng 16% nhân viên giao hàng làm việc bán thời gian tại Meituan là sinh viên năm nhất. Con số này đối với sinh viên năm 2-3 lần lượt là 47% và 28%. Sinh viên năm cuối chiếm 8%, còn lại là trình độ thạc sĩ trở lên.

Tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên đang trở nên đáng báo động tại Trung Quốc. Theo CNBC, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại nước này lên đến 13,1% trong tháng 2 năm nay. Điều đáng nói là con số này cao bằng quý I/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

thac si lam shipper anh 1

Nhân viên giao hàng của Meituan. Ảnh: Getty Images.

Câu chuyện của Zhao Yinzhou là một ví dụ. Theo South China Morning Post, Zhao là cử nhân ngành quản trị nhân sự, có kinh nghiệm làm việc tại một công ty tuyển dụng và đào tạo ở Hàng Châu. Tuy nhiên, do gia đình gặp biến cố, Zhao đành từ bỏ công việc vào đầu năm ngoái.

Sau đó, chàng trai quê Hà Bắc quyết định lên Bắc Kinh để làm việc cho Ele.me, ứng dụng giao đồ ăn lớn thứ hai tại Trung Quốc. Thời điểm này, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc.

Zhao cho biết mỗi tháng anh kiếm được khoảng 8.000 NDT (1.200 USD) bằng việc giao đồ ăn, nhiều hơn khoản lương 5.000 NDT từ công việc văn phòng, không có phúc lợi gì.

thac si lam shipper anh 2

Nhóm đại học và trên đại học (màu vàng) chiếm 15% trong lực lượng shipper của Meituan. Trong đó, số người có bằng thạc sĩ chiếm 1%.

Zhao không phải là trường hợp duy nhất phải bỏ công việc ổn định để tìm đến nghề giao hàng. Áp lực lớn trong môi trường cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt tại Trung Quốc đã khiến nhiều thanh niên như Zhao tìm đến nghề giao hàng như một cách để kiếm tiền nhanh chóng.

Từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường lao động Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Lượng việc làm mới tại khu vực thành thị nước này giảm từ 13,61 triệu xuống còn 13,52 triệu hồi năm 2019.

Trong khi đó, khoảng 9,09 triệu sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến gia nhập thị trường lao động trong năm nay, vượt kỷ lục 8,74 triệu vào năm 2020.

Theo Zing News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.