Cách bệnh viện tầm 5km, trong khu cách ly, 60 y bác sĩ vòng trong, những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 suốt một tháng qua cũng đang đón “giao thừa lần hai”. Bệnh viện dã chiến giải thể, họ phải cách ly tập trung đủ 14 ngày mới được về cách ly tại nhà. Với nhiều người trong số họ, đây mới thực sự là khoảnh khắc giao thừa của năm nay.
Vợ chồng bác sĩ Lê Viết Hải (37 tuổi) tranh thủ gọi điện về cho bố mẹ và hai con trước thời khắc đặc biệt. Vợ anh Hải là điều dưỡng tại bệnh viện, đang cách ly ở một khu khác. Hai vợ chồng cùng ở lại, làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 28/1. Các con đứa học lớp 5, đứa lớp 3 nhờ cậy cả vào ông bà chăm sóc.
“Trong thôn thì nhiều xóm chuẩn bị dỡ chốt rồi. Xóm nhà mình 7 hôm nữa mới được dỡ vì chỗ ca mới chưa phong tỏa đủ 21 ngày”, mẹ anh Hải thủ thỉ qua điện thoại. Tuy vậy, vẫn thấy giọng bà rất háo hức, phấn khởi, có lẽ vì ngày về của các con càng gần.
Từ nơi cách ly tập trung, bác sĩ Lê Viết Hải, Trung tâm Y tế TP. Chí Linh gọi điện về cho gia đình |
Bác sĩ Hải ở phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, chỉ cách ổ dịch công ty POYUN khoảng 500m. Riêng trong khu dân cư của anh đã phát hiện tới 5,6 ca Covid-19, chính là các bệnh nhân anh trực tiếp điều trị. Mỗi khi có ca mới gần nhà, vợ chồng anh Hải lại nóng ruột “như lửa đốt”.
“Lo lắm vì dù đã có lệnh giãn cách nhưng không rõ trước đó ông bà hay các con có tiếp xúc với ca bệnh không. Thấy lịch trình bệnh nhân, tôi đều gọi điện ngay về cho bà, hỏi thời điểm đó có ai đi những nơi trên không cho yên tâm.
Một số phụ huynh của lớp con học cũng làm ở POYUN, là F1, F2. Vợ chồng tôi phải theo dõi liên tục tình hình. Vì nếu phụ huynh dương tính, các con tôi cũng nằm trong diện nguy cơ”, anh Hải nói.
Anh Hải và vợ thường xuyên đi trực vắng nhà, bởi vậy mà các con phần nào hiểu công việc của bố mẹ, không khóc lóc, mè nheo. Tuy nhiên, lần này anh cảm nhận được sự thiếu thốn tình cảm của con trong các câu nói mỗi ngày: “Bao giờ bố mẹ về”, “Khi con gọi, cả bố và mẹ đều phải nghe máy nhé”,..
“Mấy hôm trước, cháu thắc mắc “sao râu, tóc bố dài thế”, tôi trêu rằng để khi về bố cạo vào má con nhé. Cháu rất thích được bố nựng như vậy, mỗi lần râu bố cạo vào má đều cười khanh khách”, anh mỉm cười chia sẻ.
Cùng làm việc tại một nơi, nhưng vợ chồng anh Hải không có thời gian gặp nhau do điều trị bệnh nhân Covid-19 tại hai khu tách biệt. Anh chỉ có thể nhìn thấy bóng dáng chị từ xa, đa phần trong bộ đồ phòng dịch kín mít.
Lần hiếm hoi anh chị được gặp là khi chị đi lấy chiếu cho bệnh nhân qua lối lưu thông, anh vừa hay cũng đứng gần đó. Họ đứng cách nhau khoảng 3m, chỉ kịp động viên nhau mấy câu, sau đó lại tất bật với công việc.
Vợ chồng anh Hải trong lần gặp hiếm hoi, ảnh được một đồng nghiệp tình cờ ghi lại |
Đêm 30 Tết vừa rồi, số ca dương tính mới nhập viện tăng liên tục, một số bệnh nhân lại diễn tiến nặng, phải chuyển tuyến Trung ương. Guồng quay công việc khiến vợ chồng anh Hải và các đồng nghiệp quên cả thời gian, gần như không cảm nhận thấy không khí Tết.
Chí Linh gỡ phong tỏa, công việc điều trị đã kết thúc tốt đẹp, với anh Hải, đêm nay mới thực sự là giao thừa.
“Hôm nay mới là giao thừa của chúng tôi, của nhân dân Chí Linh. Chỉ sang ngày 3/3, bà con sẽ được đi lại thoải mái hơn, nhiều gia đình được đoàn tụ. Tôi và người thân cũng rất gần ngày gặp lại. Tôi rất hạnh phúc và cảm thấy nỗ lực của chúng tôi có ý nghĩa”, bác sĩ Hải nói.
Các bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Chí Linh trong ngày đầu đón bệnh nhân Covid-19 |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Chính (52 tuổi) thì chia sẻ, chị ở lại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh từ ngày 26/1, ngay khi Khoa Nội có ca nghi nhiễm Covid-19. Sau đó, Bệnh viện dã chiến số 1 thành lập, chị lại trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân.
Con cái đã lớn, đi làm xa, khi nữ điều dưỡng vắng nhà, người chồng ở một mình, tự lo cơm nước. Gia đình nằm trong khu phong tỏa, chị Chính thường xuyên nhờ người giao đồ ăn, vật dụng tới cho chồng vì anh không thể ra ngoài.
“Chồng tôi bị bệnh tiểu đường. Đợt này vắng nhà dài ngày, tôi thường phải bảo anh gọi video, hướng dẫn anh tự thử đường máu, sau đó gửi kết quả cho vợ xem để tư vấn có cần uống thuốc hay không, chế độ ăn phải thay đổi thế nào”, điều dưỡng Chính kể.
Từ nhiều ngày nay, anh chị rất mong chờ tới thời khắc dỡ phong tỏa. Chị nói, hai vợ chồng đã hẹn tới đúng 0h ngày 3/3 cùng ra đón giao thừa muộn, ngắm xem thành phố có bắn pháo hoa hay không.
“Tôi thực sư rất vui cho quê hương mình. Chiều trước ngày gỡ phong tỏa, một số người quen gọi cho tôi, hỏi bệnh viện đã sắp đón bệnh nhân chưa để tới khám. Nhiều bà con, đặc biệt là người có bệnh nền đã chờ mong giây phút này rất lâu rồi”, chị Chính tâm sự.
Các nữ điều dưỡng mong chờ tới khoảnh khắc “giao thừa muộn” |
2h đêm, tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh, phòng làm việc của ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm vẫn sáng đèn. Sau khi cùng chung vui trong thời khắc quan trọng của thành phố, ông và các đồng nghiệp lại tiếp tục công việc.
Hôm nay, có 170 mẫu xét nghiệm mới được lấy tại Chí Linh, đang chờ kết quả. Khi có kết quả chính thức, nếu tất cả đều âm tính SARS-CoV-2, ông Lân mới có thể đi ngủ. Nếu có mẫu dương tính, các đội truy vết, đội xe, đội phun khử khuẩn của Bệnh viện lại tiếp tục lên đường.
150 bác sĩ trực chiến tại Bệnh viện từ những ngày đầu bùng dịch Covid-19 đã đi cách ly, gần 100 y bác sĩ khác chuẩn bị vào thay, đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường cho nhân dân Chí Linh, kết hợp phòng dịch cộng đồng.
Trung tâm Y tế TP. Chí Linh hoàn thành sứ mệnh điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng vẫn còn sứ mệnh khác là phòng dịch và điều trị bệnh nhân thường…
ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Chí Linh tất bật với công việc sau khi cùng chung vui trong thời khắc quan trọng |
Theo Nguyễn Liên/Vietnamnet