unnamed (11)

Ju Hee nhận thấy người Việt thường trang trí nhà cửa lộng lẫy và về quê đón Tết bên gia đình, khác biệt với xứ sở kimchi.

Kim Ju Hee (23 tuổi) bắt đầu chuyển đến Việt Nam học tập và sinh sống từ năm 2019. Tuy nhiên năm nay mới là lần đầu tiên cô gái Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán tại mảnh đất hình chữ S.

Theo kế hoạch, Ju Hee sẽ đón Tết 2021 tại Hà Nội, với mong muốn dạo hồ Hoàn Kiếm, chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực và thăm gia đình bạn bè. Tuy nhiên cô buộc phải bỏ chuyến đi khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. “Tôi đã đặt sẵn vé nhưng bây giờ phải hủy, buồn lắm, nhưng di chuyển trong thời điểm này sẽ không an toàn”, cô nói.

Ju Hee chia sẻ, thời tiết ở TP HCM cũng rất thoải mái, tuy nhiên không có quá nhiều khác biệt giữa các mùa, chỉ có mùa mưa và mùa khô. “Đôi khi tôi cảm giác bị ‘chán’ vì không cảm nhận được sự dịch chuyển của thời gian, ở Hà Nội thì có cả bốn mùa như Hàn Quốc”, cô bày tỏ.

Không thể lên đường, Ju Hee quyết định dành nhiều thời gian khám phá Tết cổ truyền của Việt Nam ngay tại TP HCM như gói bánh chưng cùng bạn bè, thưởng thức bánh tét và mứt Tết. Với cô, việc gói bánh chưng thật khó và cầu kỳ: “Người Hàn thường ăn bánh gạo, bánh bao và không dùng lá để gói. Tôi cảm thấy những công đoạn gói bánh chưng rất kỳ lạ. Phải cắt, gấp lá nhiều lần, tôi không thể nhớ hết các bước. Tuy vậy bánh chưng, bánh tét có mùi thơm từ lá, rất thích”.

Những ngày cận Tết, Ju Hee đến trường gói bánh chưng cùng bạn bè. Ảnh: Huỳnh Nhi

Những ngày cận Tết, Ju Hee đến trường gói bánh chưng cùng bạn bè. Xa nhà Tết này, cô chỉ có thể gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ đang ở Hàn Quốc. Ảnh: Huỳnh Nhi

Ju Hee cho biết, Tết Nguyên đán cũng là một ngày lễ lớn ở Hàn và là dịp để gia đình đoàn tụ, nhưng hiện tại nhiều người đã quyết định ở nhà và không đi thăm người thân vào đầu năm mới. Nếu muốn ra ngoài chơi, họ có thể đi xem phim, mua sắm hay đi cà phê với bạn bè. Người dân Hàn Quốc chỉ được nghỉ 3 ngày từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, ai nấy đều tranh thủ phần lớn thời gian để thư giãn.

Trong khi đó, người Việt Nam có kỳ nghỉ dài hơn; nhà nào cũng trang hoàng lộng lẫy; những trung tâm thương mại, không gian công cộng hay bảo tàng, triển lãm… tổ chức nhiều hoạt động đón Tết.

“Dù đi làm xa hay định cư ở thành phố lớn, người Việt cũng sẽ về quê, thăm bố mẹ và gia đình vào ngày Tết. Tôi thấy đây là một điều rất tốt, vì dù kinh tế phát triển nhưng họ vẫn tiếp tục bảo tồn những giá trị truyền thống một cách hiện đại chứ không quên lãng”, Ju Hee nói.

Một khác biệt khiến cô để ý là cảnh sắc thiên nhiên ngày Tết giữa hai quốc gia. Tại xứ sở kimchi, đầu năm âm lịch thời tiết vẫn còn trong mùa đông, nhiệt độ ngoài trời rất lạnh, nên không có nhiều loài hoa khoe sắc như ở Việt Nam.

Có dịp đến Hà Nội vào năm 2020, Ju Hee khá ấn tượng với thời tiết, món ăn và giọng nói người Hà Nội. Ảnh: NVCC

Có dịp đến Hà Nội vào năm 2020, Ju Hee khá ấn tượng với thời tiết, món ăn và giọng nói người Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trước thềm năm mới, Hàn Quốc đã hủy bỏ và cấm tổ chức các sự kiện tụ tập đông người. Từ đầu tháng 12 năm ngoái, chính phủ nước này ban hành biện pháp tăng cường phòng dịch cuối năm với lệnh cấm tụ tập trên 5 người cho đến ngày 17/1/2021 và duy trì mức độ giãn cách xã hội hiện hành.

Cô cho biết, thủ đô Seoul và các địa phương lân cận áp dụng mức 2,5 và các địa phương còn lại ở mức 2. Những biện pháp phòng dịch kéo dài khiến cuộc sống người dân, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Dù tình hình Covid-19 tại Việt Nam đang khá phức tạp, cô tin các nhà chức trách sẽ thực hiện tốt công tác xử lý như trước đây. Sắp tới có thể Ju Hee sẽ du xuân miền Tây, tùy vào diễn biến của dịch bệnh.

Theo VNExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.