Đó là chủ đề hội thảo do Chi nhánh Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng tổ chức vào cuối ngày 28 tháng 6 năm 2017 tại TP. Tam Kỳ. Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam Giám đốc VCCI Đà Nẵng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia kinh tế và hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh: Hơn 30 năm đổi mới, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Đến nay, chúng ta có hơn 600.000 doanh nghiệp dân doanh và 3,5 triệu hộ kinh doanh, đã đóng góp 40%GDP, giải quyết 85% việc làm cho nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân từ vị thế yếu đã được Nhà nước xác định là động lực cho phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Quang cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tư nhân nước ta vẫn là khu vực có khả năng cạnh tranh thấp, xu hướng nhỏ hóa quy mô doanh nghiệp là những vấn đề thực sự đáng quan ngại. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn đối diện với nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, như: vốn, đất đai; quyền được đối xử bình đẳng trong kinh doanh với các thành phần kinh tế khác; các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn loay hoay chưa thể kết nối thành công vào những chuỗi sản xuất toàn cầu… “Do vậy, hoàn thiện thể chế kinh tế tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu bức thiết nhằm tạo thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước”,
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện Quảng Nam có gần 5.300 doanh nghiệp, trong đó gần 97% doanh nghiệp quy mô nhỏ, đóng góp cho NSNN không đáng kể. Phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Mặc dù khu vực tư nhân của tỉnh Quảng Nam đã có những “con sếu lớn” nhưng chưa được lan tỏa rộng trong cộng đồng, đa số doanh nghiệp trên địa có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế…
Thời gian qua, Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng chính sách để thúc đẩy “khởi nghiệp”, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mong muốn hội thảo lần này sẽ tập trung làm rõ vai trò, vị thế, cơ hội và thách thức của lực lượng kinh tế tư nhân nói chung, kinh tế tư nhân tỉnh Quảng Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương và đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý phân tích, làm rõ vai trò, vị thế của lực lượng kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế đất nước; môi trường kinh doanh cấp tỉnh với phát triển doanh nghiệp, kinh tế địa phương; quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0; kinh nghiệm nâng cao năng lực quản trị, phát triển doanh nghiệp… cũng như việc hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế tư nhân.
TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, dù chịu nhiều bất bình đẳng, thiệt thòi so với doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài nhưng kinh tế tư nhân vẫn phát triển, tầng lớp trẻ lập nghiệp sẽ là đầu tàu thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, tạo việc làm trong chế biến nông –lâm-thủy sản, phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, xuất khẩu; đồng thời là động lực phát triển kinh tế – xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, khó thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế cần xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Linh Chi – Tiến Nguyễn