23/12/2024
Hành trình Uber, Grab vào VN /// Đồ họa: Hồng Sơn
Hành trình Uber, Grab vào VNĐồ họa: Hồng Sơn
Thông tin GrabTaxi lỗ lớn, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2016 đã đặt ra câu hỏi: Liệu câu chuyện chuyển giá trốn thuế mà nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang thực hiện ở VN có lặp lại?
Thuế “nắm kẻ trọc đầu” ?
Loay hoay quản lý thuế Uber, Grab - ảnh 1
Điều này dẫn đến nghi ngờ “lời thật lỗ giả”, các doanh nghiệp này có chuyển giá như nhiều doanh nghiệp FDI đang thực hiện tại VN để giảm thiểu việc nộp thuế hay không?
Loay hoay quản lý thuế Uber, Grab - ảnh 2
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP.HCM thu thập dữ liệu để thực hiện thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế từ khi thành lập đối với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan và Công ty TNHH GrabTaxi. Đồng thời Cục Thuế cũng thanh tra cả 2 doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống trên địa bàn. Kết quả thanh tra sẽ cung cấp cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an.

Có việc này là bởi trước đó Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, trong năm 2016, GrabTaxi (Grab VN) đạt doanh thu 192 tỉ đồng, báo lỗ 443 tỉ đồng. Với kết quả kinh doanh lỗ, Grab VN không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đại diện Grab phản hồi là thông tin trên không chính xác, nhưng lại không cho biết thêm chi tiết.
Hiện nay, mô hình vận hành hoạt động tại VN của Uber và Grab có sự khác nhau, căn bản nhất là ở tư cách pháp nhân. Uber VN là pháp nhân chỉ có chức năng tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, không điều hành vận tải, nên doanh thu tại VN được chuyển thẳng về Hà Lan. Uber VN chỉ thay mặt đóng thuế nhà thầu là 5% (3% thuế GTGT và 2% thuế TNDN) tại VN. Trong khi đó, Grab lập một công ty con tại VN (GrabTaxi) với một trong những ngành nghề đăng ký kinh doanh là “vận tải hành khách” và “vận tải hàng hóa”. Vì vậy, theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, Grab kinh doanh làm ăn có lãi thì nộp thuế, lỗ thì không phải đóng thuế như những DN khác tại VN. “Việc Grab lỗ khó có thể khẳng định được điều gì, bởi đây cũng là điều bình thường khi DN có những chi phí ban đầu cao như tiếp thị, thâm nhập thị trường… nên thường lỗ trong 2 – 3 năm đầu”, ông nhận định. Tuy nhiên, ông cũng dẫn số liệu, sau gần 3 năm thâm nhập thị trường VN, Grab và Uber đang khuynh đảo thị trường tại TP.HCM và Hà Nội, với đội ngũ xe hợp đồng điện tử hơn 22.000 chiếc (tính đến tháng 6.2017), con số mà một DN kinh doanh taxi truyền thống phải mất 10 năm mới gầy dựng được, thì số thuế nộp quá chênh lệch so với quy mô hoạt động. “Điều này dẫn đến nghi ngờ “lời thật lỗ giả”, các DN này có chuyển giá như nhiều DN FDI đang thực hiện tại VN để giảm thiểu việc nộp thuế hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Theo ông, cơ quan thuế đang lúng túng, quen “nắm người có tóc”, quen với việc thu thuế có địa chỉ rõ ràng, chưa quen với quản lý kinh doanh trên mạng, đặc biệt là người quản lý lại ngồi cách xa nửa vòng trái đất. Năm 2016, Uber chuyển lợi nhuận về Hà Lan mỗi ngày 1 tỉ đồng nhưng vẫn không đóng thuế ở VN. Thậm chí cơ quan thuế từng mời Uber Hà Lan đến làm việc mà công ty này “không thèm” đến.
Loay hoay quản lý thuế Uber, Grab - ảnh 3
GrabTaxi lỗ lớn không phải nộp thuế trong năm 2016 Ảnh: Ngọc Dương
Điều taxi từ Lào qua đón khách, xử lý thế nào ?
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng Uber, Grab đang gây tranh cãi không phải vì là dịch vụ vận tải thuần túy (vì DN không sở hữu xe nào), mà vì đây là những giao dịch của nền kinh tế chia sẻ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là hình thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ. Có điều, nếu Uber đã chọn hình thức lập công ty con tại VN chỉ nghiên cứu thị trường, nghĩa là công ty con không có chức năng kinh doanh, nhưng lại có thể có liên quan đến việc điều hành xe tại VN là không sòng phẳng. “Uber có thể đang lợi dụng kẽ hở trong chính sách để né thuế. Nếu toàn bộ hoạt động nằm ở Hà Lan, không có pháp nhân tại VN, lúc đó sẽ thu thuế những đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ đó theo quy định. Còn ở đây, Uber Hà Lan chuyển giao công nghệ sang công ty tại VN điều hành, nhưng lợi nhuận lại chuyển về trụ sở chính ở Hà Lan, khiến VN thất thu thuế lớn”, ông phân tích.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng bản chất Grab, Uber đang kinh doanh dịch vụ không biên giới. Phương thức mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, điều hành khác hẳn đã thổi bùng xung đột với phương thức kinh doanh truyền thống. Đồng thời cũng gây ra xung đột lợi ích khi ngân sách được hưởng rất ít, thậm chí không kiểm soát được thuế. “Trong tương lai gần, các nền tảng công nghệ này thậm chí còn điều taxi từ Lào sang VN, từ VN sang Campuchia… thì cơ quan thuế tính thế nào, các hãng taxi truyền thống xoay trở ra sao, có cạnh tranh được về phí hay dịch vụ?”, ông đặt câu hỏi. Có thể thấy bước đi này (nếu xảy ra) sẽ còn thách thức thị trường hơn nữa, khiến thị trường vận tải còn cạnh tranh khốc liệt hơn, thách thức quản lý nhà nước, quản lý thuế hơn nữa. Nhà nước phải thu thuế với một phương thức mới, mới theo kịp những dịch vụ xuyên biên giới này.
Thuế nộp trong năm 2016 (TNDN, GTGT, môn bài)
Vinasun: 323 tỉ đồng
Uber: 40 tỉ đồng
Grab VN: 5,8 tỉ đồng.
GrabTaxi có trụ sở ở Q.10 (TP.HCM), có trách nhiệm kê khai, nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp là Chi cục Thuế Q.10. Khi PV gọi điện thoại xin số liệu về thuế Grab nộp trong 2 năm 2015 – 2016, lãnh đạo chi cục đã thoái thác và cho biết đang thu thập số liệu.

Theo thanhnien.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.