Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, không phải gần 200 nhân lực đều là trình độ cao nhưng trong số này có trình độ tiến sĩ, có người mang hàm PGS.
Ngày 13/4, dư luận xôn xao về thông tin hơn 100 nhân lực trình độ cao của bệnh viện này nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện khác và cho rằng có gì đó bất thường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết không phải là hơn 100 nhân lực của bệnh viện nghỉ việc, mà là gần 200 người.
“Nhưng không phải tất cả là nhân lực trình độ cao, cũng có những nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. Có một số trong số gần 200 người này có trình độ tiến sĩ, có người được phong học hàm phó giáo sư…, nhưng đó là chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn” – ông Tuấn nói.
Về thông tin nhiều bác sĩ có trình độ cao của Bệnh viện Bạch Mai xin thôi việc và chuyển công tác, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cũng cho biết đã nhận được báo cáo từ bệnh viện và phát hiện tình trạng nhiều bác sĩ có trình độ ở Bạch Mai xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai thống kê, báo cáo số cán bộ công chức có trình độ chuyên môn giỏi của bệnh viện xin chuyển công tác và phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, về thông tin nhiều bác sĩ có trình độ cao của Bệnh viện Bạch Mai chuyển công tác, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết đã nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai về việc có nhiều người lao động, nhân viên y tế tại bệnh viện này xin nghỉ việc.
Theo vị này với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ Y tế đã biết việc này và yêu cầu bệnh viện báo cáo vào ngày 2/2/2021 và nhận được báo cáo từ bệnh viện vào 22/3.
Theo đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, nguyên nhân của việc cán bộ, viên chức xin chuyển công tác thì có nhiều, trong báo cáo của bệnh viện có phân tích một trong các nguyên nhân là do chế độ, chính sách đãi ngộ với viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, tổng doanh thu của bệnh viện giảm. Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm nguồn thu cho bệnh viện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức.
Vị này cũng cho rằng để người lao động gắn bó với đơn vị có rất nhiều yêu cầu: Nhu cầu của người lao động, người quản lý có tạo môi trường thân thiện không, có người thì dịch chuyển vì mong mức thu nhập cao hơn… “Trước đây, một số Bệnh viện công lập khác cũng có tình trạng nhiều người nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân”- vị này nói.
Khi được hỏi về việc hàng loạt nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc có phải do bệnh viện chậm trả lương và nợ lương, vị đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết đến nay chưa nhận được phản ánh nào về việc bệnh viện nợ lương nhân viên y tế.
Trước đó có thông tin về việc gần 100 cán bộ bác sĩ cốt cán của Bệnh viện Bạch Mai đã xin nghỉ việc, chuyển công tác sang bệnh viện công lập và tư nhân khác trong khoảng thời gian 1 năm vừa qua.
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn vào loại hàng đầu Việt Nam, mỗi ngày có 6.000 – 7.000 người đến khám, hàng ngàn người điều trị nội trú, là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt và nổi bật về chất lượng điều trị ở nhiều chuyên khoa: cấp cứu, chống độc, phục hồi chức năng, tim mạch, ung thư, nhi khoa…
Năm 2020 vừa qua là năm đặc biệt khó khăn của bệnh viện, khi bệnh viện này bị phong tỏa trong hơn 1 tháng trong dịch COVID-19, cựu giám đốc và cựu phó giám đốc bệnh viện đang bị bắt để điều tra xung quanh việc mua bán thiết bị y tế.
Theo VTV