Site icon Sức Khoẻ và Sắc Đẹp

‘Trạng Tí’, ‘Thiên thần hộ mệnh’ thiệt hại ra sao?

saostar-jujo40peau6jgmc2

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, “Trạng Tí phiêu lưu ký” đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, còn “Thiên thần hộ mệnh” cũng khó đạt doanh thu như kỳ vọng.

Ngày 3/5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP.HCM chỉ đạo ngừng nhiều hoạt động như massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp phim và trò chơi điện tử từ 18h.

Theo đó, mùa phim dịp lễ 30/4 và 1/5 gần như chính thức chấm dứt, bởi TP.HCM vốn chiếm thị phần điện ảnh lớn nhất trong cả nước.

Bốn phim Việt đang trình chiếu là Thiên thần hộ mệnhTrạng Tí phiêu lưu kýLật mặt: 48h và Bố già sẽ tạm dừng chiếu ở TP.HCM. Hai phim sau không gặp tổn thất lớn bởi đã đạt doanh thu cao từ trước.

Nếu Lật mặt: 48h thu hơn 150 tỷ đồng – cao nhất trong thương hiệu điện ảnh do Lý Hải thực hiện, thì Bố già đã thiết lập kỷ lục 400 tỷ đồng từ đầu tháng 4. Tình hình xấu hơn với hai phim còn lại bởi cả hai tác phẩm mới khởi chiếu chưa đầy một tuần.

Thiên thần hộ mệnh khó chạm mốc 100 tỷ đồng

Trước khi các cụm rạp chiếu phim tại TP.HCM đóng cửa, Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ dẫn đầu phòng vé dịp lễ năm nay với hơn 35 tỷ đồng, có thể chạm mốc 40 tỷ đồng trong ngày 3/5.

Tuy nhiên, con số này có lẽ dưới mức trông đợi của nhà sản xuất, nhất là với một tác phẩm đóng mác Victor Vũ. Từ đầu mùa lễ, có thể thấy nhà rạp đã đặt kỳ vọng lớn cho Thiên thần hộ mệnh với số suất chiếu áp đảo Lật mặt: 48h và Trạng Tí.

Thiên thần hộ mệnh khó cán mốc trăm tỷ như bộ phim gần nhất của Victor Vũ. Ảnh: Lotte.

Một điểm may cho Thiên thần hộ mệnh là kinh phí sản xuất dự án không cao như các phim gần đây của Victor Vũ. Bộ phim thuộc thể loại hình sự pha kinh dị không có diễn viên ngôi sao, ê-kíp không phải di chuyển xa như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Mắt biếc, cũng không có hiệu ứng cháy nổ, hành động như Lôi báo hay Người bất tử.

Việc quảng cáo thương hiệu trong phim cũng bù lại một phần chi phí sản xuất. Với một ít doanh thu khi rạp mở lại, cũng như tiền bán cho các nền tảng VOD, có lẽ Thiên thần hộ mệnh sẽ đạt mức hòa vốn.

Hay tin các rạp chiếu phim tại TP.HCM đóng cửa, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ với Zing: “Đây là chuyện không ai mong muốn và đương nhiên không chỉ tôi mà bất cứ nhà làm phim nào trong thời điểm này cũng buồn. Nhưng phải ưu tiên sức khỏe của cộng đồng và công tác chống dịch. Mong dịch sẽ nhanh chóng được giải quyết và khán giả tiếp tục ủng hộ tất cả bộ phim sau khi rạp mở lại”.

Trạng Tí sẽ thua lỗ bao nhiêu tại phòng vé?

Đáng ngại hơn là Trạng Tí phiêu lưu ký của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bộ phim có kinh phí được cho lên đến 48 tỷ đồng, tức phải đạt hơn 100 tỷ đồng mới hòa vốn. Đến trưa 3/5, phim mới thu 16 tỷ đồng tại phòng vé, tức chưa được 1/5 chặng đường.

Trạng Tí phiêu lưu ký là một trong những tác phẩm bị ảnh hưởng nhất từ dịch Covid-19, với hai lần phải dời lịch trước đợt đóng rạp này. Ảnh: Studio68.

Trạng Tí phiêu lưu ký là bộ phim đặc biệt khi tạo ra hàng loạt bàn tán suốt nhiều tháng trước thời điểm công chiếu. Sau khi ra mắt, tác phẩm dựa trên Thần đồng Đất Việt tiếp tục gây ra tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.

Nếu nhìn nhận khách quan, Trạng Tí có chất lượng dàn dựng, kỹ xảo tốt so với mặt bằng điện ảnh Việt, và chắc chắn không thuộc nhóm “thảm họa” như Cậu Vàng hay Kiều @. Tại phòng vé, phim thực tế đạt tỷ lệ người xem khả quan, với số suất chiếu chỉ bằng một nửa Thiên thần hộ mệnh.

Việc ngừng chiếu chắc chắn gây thiệt hại lớn cho Trạng Tí, nhất là tại thời điểm vừa xuất hiện hiệu ứng truyền miệng tích cực. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng các đơn vị đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về tài chính lẫn việc “giữ lửa” cho bộ phim khi rạp mở cửa trở lại.

Song, Trạng Tí có thuận lợi là hướng đến đối tượng khán giả gia đình, nên ê-kíp có thể hy vọng vào chiến lược đường dài. Ngược lại, Thiên thần hộ mệnh dễ bị “nguội” khi rạp mở lại, do lúc đó hầu hết khán giả đã biết trước cú twist quan trọng trong phim.

Bẫy ngọt ngào của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, dự kiến ra mắt ngày 14/5, có thể phải dời lịch trước diễn biến mới này. Ảnh: CJ.

Nhìn chung, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay không chứng kiến sự bùng nổ doanh thu phòng vé như đợt đầu tháng 3. Ba tác phẩm dẫn đầu kiếm chưa đến 100 tỷ đồng trong ba ngày. Kết quả một phần đến từ tâm lý e ngại dịch bệnh, phần khác đến từ chất lượng nội tại của loạt tác phẩm chưa xuất sắc. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp phim Marvel Studios vắng bóng vào thời điểm này, khiến không ít khán giả mất đi “món ăn” quen thuộc.

Về lâu dài, tình hình dịch Covid-19 đang tạo ra một cuộc chơi kiểu mới cho hệ thống chiếu bóng tại Việt Nam. Lịch trình ra mắt của các bộ phim không còn chắc chắn hay rõ ràng như trước, mà phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch bệnh.

Những tác phẩm như Bố già hay Lật mặt: 48h – chiếu vào thời điểm dịch không đáng ngại – kịp thời đạt mục đích doanh thu. Còn tác phẩm kém may mắn hơn như Thiên thần hộ mệnh hay Trạng Tí lại bị ảnh hưởng lớn từ tình hình chung. Việc chọn đúng thời điểm “cửa sổ” để ra phim nay trở thành canh bạc lớn, tăng thêm sự bất trắc cho ngành công nghiệp vốn đã nhiều rủi ro này.

Exit mobile version