Dương Cầm cho rằng nhạc rap đã đạt đến đỉnh cao và khó nổi hơn nữa. “Nhân tài không nhiều, những gì tinh túy nhất có lẽ đã dồn hết vào một cuộc thi”, anh nói.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm nhận định giới indie đóng vai trò quan trọng ở thị trường âm nhạc hiện tại. Anh đánh giá âm nhạc indie nhẹ nhàng, không màu mè, nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn người nghe. Với rap, nhạc sĩ cho rằng rapper khó nổi tiếng hơn bởi giới underground không mấy quan tâm đến truyền thông.
“Rap không thể nổi hơn nữa”
– Quan sát thị trường âm nhạc đầu năm 2021, anh có suy nghĩ thế nào?
– Thị trường âm nhạc Việt có sự xáo trộn nhẹ, thị hiếu nghe nhạc của khán giả thay đổi. Thế hệ divo, diva và danh ca đã đến một ngưỡng, để họ làm những gì mới mẻ, chiều khán giả hay điều gì đột phá hẳn rất khó. Những ngôi sao đó đang ở cái đỉnh của họ rồi, nhưng nếu không làm gì, khán giả thấy họ nhàm chán. Đây là thời cơ rất tốt cho nghệ sĩ trẻ.
Chúng ta có thể nhìn thấy vài tên tuổi sáng giá kế cận như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Dương Hoàng Yến. Bên cạnh đó, tôi nhìn thấy một điều rất tích cực khác là các ban nhạc, đặc biệt thế hệ của những ca sĩ giới indie. Tôi tin rằng thời gian tới indie sẽ là một cú nổ lớn.
– Không thấy anh nhắc tới rap dù năm qua đây là dòng nhạc phát triển mạnh mẽ và được công chúng quan tâm nhất?
– Rap không lắng xuống, vẫn là một dòng chảy như thế, chỉ là rap không nổi hơn nữa. Khi cuộc thi đi qua, độ đỉnh của rap chỉ ngang đó thôi. Nhân tài không nhiều, những gì tinh tuý nhất có lẽ đã dồn hết vào một cuộc thi. Khán giả dồn hết sự chú ý hồi năm trước vì rap còn là món ăn lạ.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng đời sống của giới rapper không thay đổi nhiều sau hai cuộc thi rap. Ảnh: NVCC. |
– Tại sao anh đưa ra nhận định như vậy khi rap đang phát triển, thậm chí Rap Việt vừa tuyển sinh mùa hai với sự tham gia của hàng nghìn thí sinh?
– Ở góc độ nào đó, tôi thấy mọi thứ chỉ là game show được đẩy lên thôi, còn đời sống của những nghệ sĩ rap, giới underground không mấy quan tâm đến truyền thông. Kể cả có truyền thông, cuộc thi hay không, họ vẫn theo đuổi rap như trước đây.
– Vậy với indie, vì sao anh cho rằng họ sẽ là một cú nổ lớn, trong khi họ cũng ít tiếp xúc truyền thông như rapper?
– Dõi theo indie, tôi thấy các bạn ấy rất hay. Âm nhạc Việt hiện nay giống như underground đang trỗi dậy, indie cũng vươn lên đại chúng hơn. Âm sắc indie nhẹ nhàng, không màu mè, nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn người nghe. Ca từ mang tính tự sự, phóng khoáng, tự do, nhưng vô cùng sâu sắc và chất. Nhiều tên tuổi nghệ sĩ, nhóm nhạc trong làng indie Việt đã “chuốc say” giới trẻ, như Ngọt, Chillies…
Hay sự xuất hiện của Lê Cát Trọng Lý, như một làn gió mới, đưa khán giả đến gần với những giai điệu âm nhạc khá mới mẻ, giúp họ hình dung rõ nét về một nghệ sĩ indie thực thụ. Vũ cũng là một trong những gương mặt trẻ triển vọng của giới indie Việt. Vũ như người đàn ông trưởng thành hát tình ca, kể chuyện tình bằng âm nhạc với những thổ lộ chậm rãi qua giọng hát ngọt ngào, hơi khàn và sâu lắng.
Ban nhạc và những nghệ sĩ indie vẫn đang từng ngày âm thầm chinh phục khán giả bằng tài năng và đam mê của họ. Vũ, Thịnh Suy, Cá Hồi Hoang, Chillies rồi đến DALAB, Ngọt, Thái Đinh và Trang là thế hệ indie trẻ đã tạo ấn tượng mạnh với loạt hit được giới trẻ yêu thích.
– Thực tế, âm nhạc indie đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng vẫn bị coi như “đứa con ghẻ” ở Việt Nam. Liệu có dễ dàng để indie vượt ra khỏi vùng đất an toàn, đến với lượng khán giả rộng lớn hơn?
– Ở Việt Nam, indie vẫn là mới, nên tôi tin đó là mảnh đất để bùng nổ của âm nhạc Việt. Mới sẽ kèm theo khó khăn, nhưng có nền tảng để tôi đặt sự tự tin vào họ. Khi được tiếp xúc với các bạn ấy, tôi thấy họ có nền tảng khác, có tư duy để đưa sản phẩm đến với mọi người mà dân học nhạc chưa làm được.
|
Dương Cầm đặt niềm tin vào nghệ sĩ indie bởi sự khác biệt trong âm nhạc. Ảnh: NVCC. |
“Giới indie ngông nghênh, không theo quy tắc nghệ thuật nào”
– Điểm khác biệt của giới indie so với âm nhạc đại chúng là gì?
– Điều hấp dẫn ở giới indie là họ chẳng theo một nguyên tắc nào cả. Cách kể chuyện của các bạn ấy có sự ngông nghênh, ngông cuồng của tuổi trẻ, không theo quy tắc nghệ thuật. Họ có cảm xúc, biết tiếp thu và biết lắng nghe. Cách viết lời của các bạn ấy cũng đặc biệt khác so với những sáng tác với giới chuyên nghiệp. Khi thị trường dồi dào nghệ thuật “sắp đặt”, những cảm xúc chân thật lại là thứ quý hiếm mà ít nghệ sĩ còn giữ được.
Cũng chính họ tạo cho tôi cảm hứng thực hiện dự án BandLand. Tôi muốn nhân rộng tinh thần làm nhạc, chơi nhạc một cách phóng khoáng và tạo ra sân chơi cho những ban nhạc indie để họ bước ra ánh sáng, thỏa mãn đam mê chơi nhạc. Các ban nhạc indie học ở trong trường thiếu đi sự kết nối, thiếu tính đời, không có đời sống âm nhạc thực thụ.
Năm 2020, tôi chỉ tập trung cho các ban nhạc ở Hà Nội. Nhưng năm 2021, tôi muốn mở rộng cơ hội kết nối đến những ban nhạc tại miền Trung và TP.HCM.
– Anh nhận định như vậy có chủ quan không khi mà thị trường và công chúng vẫn đánh giá cao nghệ sĩ được đào tạo bài bản, ngay cả những cái tên anh kể như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Dương Hoàng Yến cũng vậy?
– Tôi từng chia sẻ với nhiều vị lãnh đạo của các nhà trường như vậy. Nhà trường đào tạo không phải không tốt, thậm chí rất tốt. Nhưng nhà trường không cập nhật xu hướng hiện đại. Sinh viên của trường không học nhạc vẫn có thể tự chơi nhạc, sáng tác, nhưng bạn ấy có tư duy mở. Quan trọng nhất, các bạn cảm nhận cởi mở hơn về âm nhạc. Chưa kể, ở môi trường nhà trường, các bạn thiếu nhất sự cọ xát.
Trường học dạy kỹ thuật nhiều hơn việc làm sao chiếm được tình cảm của khán giả. Sinh viên ít có cơ hội để được biểu diễn hoặc khi học chưa đến nơi đến chốn, các bạn không dám biểu diễn. Ngược lại, các bạn indie ở sân khấu ngoài trời có thể cầm guitar lên và đánh vài hợp âm. Các bạn có thể hát tác phẩm tự sáng tác, kể câu chuyện âm nhạc của chính mình, điều đấy mới tạo nên nền móng của sự phát triển.
Theo nhạc sĩ, Vpop đang thiếu ban nhạc chất lượng. Ảnh: NVCC. |
– Vậy một người được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam như Dương Cầm khi tiếp xúc, làm việc với các nghệ sĩ, band nhạc indie phải làm thế nào để dung hòa giữa chuyên môn với lối làm tự do?
– Tôi cũng biết và thấy rõ ràng các bạn ấy đang có sự thay đổi. Sau một năm đồng hành, tôi thấy các bạn ấy hay hơn, có những cách thể hiện và sáng tác đặc biệt. Các bạn ấy mới chính là những người cập nhật xu hướng thế giới. Họ thậm chí học hỏi từ những nghệ sĩ mà có thể tôi không hề hay biết. Chính tôi cũng học hỏi từ các bạn ấy những điều gì mà tôi cảm thấy thú vị.
Ngay từ đầu khi quyết định tạo sân chơi cho các bạn indie, tôi đã thấy không dễ. Đã có rất nhiều người bảo tôi điên, làm cái đó sao ra lợi nhuận được, chưa kể rất vất vả. Mà đúng vất vả thật. Nhưng khi đã yêu và muốn làm, tôi sẽ theo đến cùng.
Tôi có niềm tin một ngày không xa, các bạn trong dòng indie có bước đi chính xác hơn. Lúc đấy, họ sẽ trở thành nghệ sĩ mainstream. Rõ ràng, khi đã trải qua khổ luyện và chinh phục khán giả thời gian đủ lâu, họ sẽ có thể đứng trên sân khấu như những nghệ sĩ lớn.
– Trở lại với thị trường âm nhạc Việt, theo anh Vpop đang thiếu gì?
– Có vài ban nhạc khá ổn như Ngọt hay Chillies, nhưng Việt Nam vẫn đang thiếu ban nhạc chất lượng.
– Đứng trước thực tế các ban nhạc hay “sớm nở tối tàn”, con đường mà Vpop cần đi là gì?
– Ban nhạc của Việt Nam từ trước đến nay được thành lập rất nhiều, nhưng có một thực tế là “sớm nở tối tàn” do không có đất để diễn, không có sân khấu để thể hiện. Có thể lúc đầu tập với nhau, họ yêu lắm, thích lắm. Nhưng sau một thời gian không có chỗ để diễn, họ phải nghỉ. Tôi muốn tạo ra cơ hội để cho các bạn tiếp cận khán giả trước. Sau đến, họ được trình diễn với khán giả để có thể nuôi dưỡng niềm đam mê và bước tiếp con đường âm nhạc.
|
Theo nhạc sĩ, các ban nhạc Việt Nam khó đi đường dài. Ảnh: NVCC. |
Thep Zing News