Site icon Sức Khoẻ và Sắc Đẹp

Nền kinh tế đang ‘làm ít, chi nhiều, nợ tăng’

Tại phiên chất vấn chiều 15/6, các đại biểu tỏ ra quan ngại trước tình trạng “thu ít, chi nhiều” của ngân

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lo lắng trước thực tế, chi ngân sách không giảm mà tăng dần đều khiến bội chi tăng. “Về nguyên tắc làm nhiều, chi nhiều, nhưng nay làm ít nhưng chi vẫn cao, nợ công tăng. Vậy có cần điều chỉnh chi tương thích với tăng GDP?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ & môi trường đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Ông Minh cũng đề cập vấn đề tín dụng ngân hàng liên tục tăng trưởng cao nhưng GDP liên tục giảm. “Vậy dòng tiền đầu tư đi đâu, có phải đang sử dụng kém hiệu quả, chưa đi đúng vào ngành sớm tạo ra sự tăng trưởng?”, Vị Phó chủ nhiệm chất vấn.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) chất vấn về tình trạng lạm chi ngân sách. Ảnh:Quốc hội

Thừa nhận băn khoăn của đại biểu là “có cơ sở” nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thu và chi ngân sách có quan hệ chặt chẽ, đều được lập dự toán, do cấp có thẩm quyền quyết định. Ở một số địa phương trên cơ sở dự toán Quốc hội giao, HĐND thường giao tăng thêm để có thêm tiền chi tiêu.

Thực tế, khi có dấu hiệu giảm thu, các địa phương cũng nỗ lực giảm chi, nhất là phần chi do HĐND cấp tỉnh giao. Nhưng trong nhiều trường hợp, thu ngân sách thấp, nhưng chi theo dự toán, thậm chí vượt nên bội chi tăng.

Thời gian tới Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công, tinh thần chi tiêu trong phạm vi khả năng nền kinh tế.

Ngoài ra, các khoản chi không cần thiết như lễ tân tiếp khách hội nghị, đi nước ngoài, đình giãn tiến độ một số dự án quan trọng… Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt. Tránh trường hợp ngân sách trung ương giảm thu vẫn phải bù địa phương, vì địa phương tăng chi so với dự toán.

“Tinh thần là cơ cấu lại bội chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, vay trong khả năng trả được nợ. Khi thu không đạt phải giảm chi”, Phó thủ tướng dứt khoát.

Trả lời câu hỏi “tín dụng đi đâu?”, ông Huệ cho hay, tăng trưởng GDP phụ thuộc 3 yếu tố là vốn, lao động và năng suất lao động tổng hợp. Trong đó, vốn gồm nguồn từ ngân sách, tín dụng và đầu tư xã hội.

Chất lượng tăng trưởng GDP, theo lãnh đạo Chính phủ, tăng thấy rõ thời gian qua. Nếu trước đây tăng trưởng GDP 1%, bình quân tín dụng 33%, thậm chí có năm trên 50%. Nhưng hiện tăng trưởng tín dụng 16-18%, GDP tăng trên 6%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% năm 2017, tín dụng là kênh vốn quan trọng giúp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả  năm.

“Tất nhiên, chất lượng tín dụng phải đảm bảo, dẫn vốn vào ngành sản xuất. Còn vốn vào bất động sản phải kiểm soát chặt, tránh nguy cơ bong bóng xảy ra”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net

Exit mobile version