Site icon Sức Khoẻ và Sắc Đẹp

Năm điểm ghi nhận không khí Hà Nội ‘rất xấu’

141414324-261358302002740-6707-6553-5330-1611199956

Năm điểm quan trắc ở Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn (Hà Nội) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200, tức ở mức rất xấu, sáng 21/1.

8h, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy năm điểm màu tím, chỉ số AQI trên 200, tương đương với mức rất xấu, “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Cụ thể, điểm quan trắc tại trụ sở UBND xã Thanh Sơn (Sóc Sơn) AQI là 208; trụ sở Công an phường Hàng Mã và đường Phạm Văn Đồng AQI lần lượt là 205 và 204; điểm trên đường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) và Minh Khai (Bắc Từ Liêm) là 202.

Hơn 30 điểm quan trắc của Hà Nội không có điểm nào AQI trung bình, đa phần là xấu (tập trung ở nội thành) và kém (ở ngoại thành). Nhiều điểm quan trắc chỉ số AQI tiệm cận 200 như: UBND phường Cầu Diễn, công viên hồ Thành Công, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cùng thời điểm, trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt ở Hai Bà Trưng ghi nhận AQI là 218, trạm của Tổng cục Môi trường ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) là 114.

Trong khi đó, trang hiển thị của hệ thống quan trắc PamAir phủ một màu tím, biểu thị cho chất lượng không khí ở mức rất xấu. Cá biệt một số điểm màu nâu, mức nguy hại, như: Ngọc Thuỵ (Long Biên) là 423, Đại học Mỏ – Địa chất (Bắc Từ Liêm) là 357, Đê La Thành (Đống Đa) 329.

Trang AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số AQI trung bình là 213. Trang này dự báo ngày mai mức độ ô nhiễm không khí Hà Nội sẽ giảm sau đó tăng trở lại vào ngày tiếp theo.

Không thể nhìn rõ những tòa nhà phía xa do mây mù. Ảnh: N.T

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí ở mức cao chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm. Nguyên nhân có sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm (do giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ…) không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

“Những bất lợi của điều kiện khí tượng mùa đông, cộng hưởng với gió mùa mang theo lượng lớn bụi từ phía bắc đến Việt Nam, ảnh tiêu cực đến chất lượng không khí”, Tổng cục Môi trường phân tích.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi nói đến nguyên nhân ô nhiễm không khí thì ngoài các yếu tố nội tại cũng cần nhìn nhận các tác động xung quanh. Đã có các nghiên cứu chứng minh miền Bắc trong mùa đông chịu ảnh hưởng từ các nguồn phát thải từ Trung Quốc. Chất ô nhiễm từ các nước Campuchia, Lào cũng ảnh hưởng đến ta.

TS Thanh lấy ví dụ tháng 3 ở Lào đốt rơm rạ, gió thổi làm ô nhiễm không khí ở miền Bắc, tháng 2 đốt rơm ở Campuchia dẫn tới ô nhiễm không khí tại TP HCM.

Các điểm quan trắc không khí Hà Nội sáng 21/1. Ảnh: Moitruongthudo

Tổng cục Môi trường dự báo thời gian tới chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía bắc vẫn ở mức xấu. Vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động.

Theo VNExpress

Exit mobile version