Trần Thành Trung – nghệ danh Trung Trần hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Ngôi Sao Doanh Nhân Việt Nam. Được biết đến với danh xưng “đạo diễn” nhưng đồng thời, mọi người cũng rất quan tâm Trung Trần trong vai trò là một Doanh nhân trẻ, tiềm năng và đầy khát vọng… những gì có được hôm nay của Trung Trần đều phải trả giá bằng một quá trình vượt khó, tự phấn đấu vươn lên và trưởng thành trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và xã hội.
Tuổi thơ gian khổ
Chỉn chu, tài năng, ấn tượng mỗi khi xuất hiện trên thảm đỏ tại các sự kiện, là người sáng lập ra chương trình Ngôi Sao Doanh Nhân Việt – một đạo diễn, diễn viên, ca sĩ đa năng – một Doanh nhân mạnh mẽ trên thương trường, thế nhưng ít ai biết Trung Trần có một tuổi thơ khá dữ dội, gian nan và đầy sóng gió.
Thời chiến tranh loạn lạc, khi cái chết chỉ cách sự sống trong gang tấc thì mẹ anh bị mất liên lạc hoàn toàn với chồng. Thương cảnh góa phụ của mẹ anh lúc đó, ba anh (ba ruột của Trung Trần – là chồng sau của mẹ anh) đã ra sức chăm sóc, lo lắng cho người phụ nữ này mặc dù ông đã có gia đình. Chuyện gì đến cũng đã đến, hai người nảy sinh tình cảm với nhau và sinh ra anh. Trung Trần là “con rơi” của ba anh. Năm anh được hai tuổi, ông ngoại của anh đi tập kết từ Miền Bắc về – thương mẹ con anh đơn độc, sống trong hoàn cảnh bị ghen tuông do bà vợ trước của ba thường xuyên gây gổ với mẹ anh, nên ông ngoại quyết định đưa cả gia đình anh từ An Khê (một huyện thuộc tỉnh Gia Lai) về Bình Định (quê ngoại). Từ đó, vì không muốn anh lớn lên trong sự đàm tiếu và định kiến của xã hội nên mẹ anh chủ động cắt đứt mọi quan hệ với ba và lấy họ của mẹ để đặt tên cho anh, một mình mang con về quê ngoại tá túc… Mang họ mẹ vì là con rơi của một người đàn ông đã có 3 đời vợ trước khi gặp mẹ anh, nên từ nhỏ Trung Trần đã thiếu vắng đi tình thương sự dạy dỗ của ba. Tuy nhiên, nhờ tình yêu vô biên của mẹ và sự đùm bọc của các anh chị cùng mẹ khác cha, Trung Trần đã lớn lên và trưởng thành trong nghịch cảnh.
Ngày thơ bé, mẹ anh giấu kín toàn bộ sự thật và không cho anh biết một thông tin nào về ba của mình. Năm anh 17 tuổi, ba anh đột nhiên xuất hiện sau bao nhiêu năm kể từ ngày mẹ anh bồng con từ An Khê (nơi anh sinh ra) theo ông ngoại về Bình Định. Đó là lần đầu tiên sau 15 năm kể từ ngày mẹ anh bồng con đi thì anh mới được ba ôm vào lòng. Đêm đó ba anh khóc rất nhiều và luôn hỏi: “Con có hận ba không? Ba xin lỗi con, suốt mười mấy năm qua ba không khi nào quên hai mẹ con. Vì mẹ con cố tình cắt đứt liên lạc nên ba đã không cho con được tình thương trọn vẹn”. Thế rồi anh cũng khóc ngất như chưa bao giờ được khóc. Khóc vì giận ba hay khóc vì thương mẹ? Khóc vì nỗi buồn tủi bị mồ côi cha mặc dù ba anh vẫn còn sống mà chừng ấy năm anh đã phải gánh chịu…
“Không cha, đối với anh không phải là sự bất hạnh. Mà bất hạnh là mình được giáo dục như thế nào”. Chính từ giây phút ấy anh biết rằng mình phải cố gắng thật nhiều để tự đứng vững trên đôi chân mình, không để bất cứ người nào bắt nạt mẹ con anh nữa…
Vươn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình – bạn bè và xã hội
Học hết lớp chín, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền đóng học phí nên Trung Trần phải nghỉ học. Anh đi học nghề và ở lại làm thế công cho chủ do không có tiền đóng học phí. Sau 4 năm vừa học vừa trả công anh cũng có được cái nghề làm thợ bạc. Nhưng vì gia đình nghèo không có điều kiện để mở tiệm nên anh tiếp tục đi làm công cho bất cứ nơi nào tiếp nhận. Có năng khiếu ca hát từ nhỏ, suốt thời gian từ lớp một đến hết lớp chín anh là “cây văn nghệ” số một của Trường. Năm 1997, Trung Trần đại diện cho xã Cát Minh (quê anh) đi thi hội diễn văn nghệ quần chúng ca huyện Phù Cát tổ chức. Với chất giọng trời phú và sự đam mê cháy bỏng anh đã thể hiện ca khúc “Thuyền Và Biển” một cách ngọt ngào, mượt mà và mang nhiều cảm xúc – may mắn anh đạt được giải nhất hạng mục hát về tình yêu trong hội diễn. Sau cuộc thi đó anh được Trung tâm văn hóa huyện Phù Cát đề cử cho đi học tại Trường Trung cấp Văn hóa tỉnh Bình Định, anh mừng đến mất ăn, mất ngủ. Nhưng đến khi giấy báo đăng ký nhập học gửi về tận nhà thì anh hoàn toàn bị suy sụp do gia đình không có khả năng đóng học phí và các khoản thu khác cho anh trong suốt mấy năm học. Anh khóc ròng rã khi một lần nữa bị cướp mất đi giấc mơ bằng con đường học vấn, sau một tuần suy nghĩ và tìm đủ mọi cách, anh đã làm đơn nhờ Ủy Ban Xã chứng thực gia đình thuộc hộ nghèo để gửi cho trường xin giảm đóng học phí, may mắn đã mỉm cười với anh khi đơn gửi đến trường và được chấp nhận cho anh nhập học.
Nhưng lo lắng của anh và gia đình không dừng lại ở đó. Tuy được giảm học phí nhưng còn các khoản ăn ở sinh hoạt tại ký túc xá cũng không phải là nhỏ cho dù anh cố tiết kiệm và cắt hết các khoản chi phí một cách tối đa nhất có thể. Anh hứa với gia đình là tự mình lo các khoản chi phí đó được, anh sẽ vừa học vừa xin đi làm, anh thuyết phục và cố chứng minh cho mẹ anh an tâm để chấp thuận cho anh được đi học, cuối cùng rồi anh cũng được nhập học trong niềm vui không có gì tả xiết. Bắt đầu vào học anh đã xin đi làm nhiều việc: phục vụ nhà hàng, phục vụ tiệc cưới, giữ xe, đi hát tại các quán cà phê ở Quy Nhơn… Năm đó, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, anh được chọn tham gia biểu diễn cho trường, một lần nữa bằng tất cả đam mê và sự nỗ lực anh đã thể hiện tiết mục của mình bằng tất cả cảm xúc và đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng thầy cô và bạn bè trong trường. Sau buổi lễ đó, “tiếng lành đồn xa”, anh được các bầu show thường xuyên mời đi hát phục vụ cho các đám cưới. Những khoản thu nhập để trang trải cho việc học của anh cũng được cải thiện từ đó. Nhưng rồi niềm vui chưa dứt thì nỗi buồn tiếp tục ập đến, sau sáu tháng học xong chương trình Đại cương Khoa Văn hóa Nghệ thuật tại trường và chuyển sang chuyên môn thì một lần nữa con đường học vấn của anh bị tạm hoãn: do năm đó chỉ có 2 người – anh và một bạn nữa thi vào môn Thanh nhạc nên không đủ số lượng (tối thiểu phải 5 người). Nhà trường yêu cầu anh bảo lưu lại kết quả để năm sau học lại. Giấc mơ trong con đường học vấn lại một lần nữa vuột khỏi tầm với, anh bị suy sụp hoàn toàn đến tuyệt vọng. Lúc đó anh không còn biết phải làm sao, bám víu vào đâu nữa… quay về với gia đình anh sợ mẹ anh không vượt qua nổi cú sốc này. Sau một tuần khóc ròng rã và suy nghĩ anh đã quyết định âm thầm vào Sài Gòn mà không báo cho gia đình biết vì sợ mẹ lo lắng, nguyện khi nào ổn định ở Sài Gòn anh sẽ báo về cho mẹ hay tin.
Suy nghĩ và tính toán là vậy nhưng anh cũng rất lo lắng vì chưa biết Sài Gòn, và không có tiền để đi vào đó rồi chi phí ăn ở ra sao nếu không xin được việc. Anh chợt nhớ đến người bạn thân thời học chung cấp 2 nên liền viết thư gửi cho bạn chia sẻ nguyện vọng của mình là được vào Sài Gòn để tìm đường mưu sinh ổn định công việc và có cơ hội tiếp tục đi học giúp đỡ cho gia đình. Trong thư, Trung Trần nhấn mạnh xin được việc gì anh cũng làm, có thể đạp xích lô hay vá xe đạp anh đều không quản ngại. Cảm thông cho hoàn cảnh của anh nhưng bạn anh nhắn nhủ phải suy nghĩ thật kĩ rồi hãy quyết định vì đất Sài Gòn không phải dễ xin việc. Bạn ấy cho anh suy nghĩ ba ngày rồi quyết định, nếu vào bạn sẽ giúp đỡ xin cho chỗ ở chung trong ký túc xá. Không cần phải suy nghĩ vì trong lòng đã quyết tâm, để bạn an lòng anh ráng đợi đến hết ba ngày trôi qua và thông báo cho bạn là mình sẽ vào Sài Gòn bằng mọi giá. Cuộc sống tha phương tự lập nơi đất khách quê người đối với anh bắt đầu từ đó.
Năm 1998, chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tiền mang theo chỉ đủ để trả tiền vé xe và ăn cơm sinh viên trong 1 tuần. Chỗ ngủ thì anh được bạn xin cho tá túc ở ký túc xá Đại học Tổng Hợp. Trong thời gian đó ký túc xá đang tổ chức cuộc thi “Giọng hát hay ký túc xá Đại học Tổng Hợp lần 1”, được bạn khuyến khích anh xin đăng ký đại diện cho các bạn ở chung phòng để thi và may mắn một lần nữa khi anh đạt giải nhất hát về tình yêu qua ca khúc “Tóc em đuôi gà” của nhạc sĩ Thế Hiển. Sáng hôm sau hình ảnh của anh được dán trên bản tin của ký túc xá và thông tin cuộc thi được báo tuổi trẻ đăng tin, Trung Trần vui mừng không diễn tả nổi. Sau đó anh được bạn bè giới thiệu qua Nhà hát Bến Thành để hát cho CLB Chiều thứ 5, mỗi tuần diễn một lần (hát lót cho ca sĩ chính) với mức catse hai mươi ngàn đồng – anh vui mừng vì có điều kiện được sống lại với giấc mơ của mình tưởng chừng đã dang dở. Sau đó anh đi xin việc và những khó khăn lại tiếp tục kéo đến không ngừng. Trung Trần xin đi làm phục vụ nhà hàng thì người ta không nhận vì chưa có kinh nghiệm, đặc biệt do giọng nói của anh vẫn đậm chất địa phương nên rất khó nghe. Có chỗ họ chịu nhận thì lại ở quá xa ký túc xá, anh không có phương tiện đi lại. Bạn chung phòng của anh có xe đạp nhưng phải đi học nên chỉ có thể cho anh mượn được những ngày bạn không đến trường. Anh tranh thủ buổi tối mượn xe đạp của bạn và mua bản đồ rong rủi dò đường để đi xin việc. Loay hoay mãi gần một tháng mà chưa xin được việc làm, ít tiền đem theo mua phiếu cơm ở ký túc xá đã hết, anh được bạn cho mượn một ít để có tiền ăn cơm tiếp tục đi xin việc. Cuối cùng Trung Trần cũng tìm được việc nhận đi phát tờ rơi ở các ngã tư đèn đỏ và cổng trường đại học, đồng thời đi tiếp thị gõ cửa từng nhà để bán hàng… Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng cứ nghĩ về gia đình và nghĩ đến mẹ, anh lại tiếp tục và quyết tâm không cho phép mình gục ngã trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sau một tháng từ cái ngày anh nghỉ học vào Sài Gòn thì nhà trường gửi giấy báo về cho gia đình, mẹ anh hay tin và rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao, vì lúc đó chưa có điện thoại làm phương tiện nhiều như bây giờ và mẹ cũng không biết anh đi đâu để mà liên lạc. Phần anh từ ngày vào Sài Gòn chưa có việc làm ổn định nên cũng chưa dám viết thư gửi về nhà. Ít hôm sau đó thì người bạn cùng phòng có việc về quê, anh viết thư tay và nhờ bạn ghé qua nhà gửi giùm để mẹ anh yên tâm. Cũng vì không muốn mẹ lo lắng, anh còn nhắn nhủ người bạn nói giúp với mẹ là công việc của anh ở Sài Gòn rất tốt, hiện tại do anh nhiều việc quá nên chủ chưa cho nghỉ phép… để mẹ yên tâm.
Thời gian thấm thoát trôi qua, sau bốn tháng đi làm tiếp thị lang thang khắp các ngõ hẻm thành phố và các tỉnh lân cận, ăn uống thất thường nên chứng bệnh đau dạ dày tái phát khiến người anh gầy nhom. Có một lần ra Vũng Tàu bán hàng ở bến cá, anh vô tình gặp được người ở quê. Họ thấy anh gầy nhom liền hỏi trêu: “Thằng Trung, mày có hút chích hay nghiện ngập gì không mà ốm quá vậy?”. Lúc đó anh chỉ cười mà không biết nên giải thích thế nào với họ. Thế mà họ về quê đồn khắp xóm rồi đến tai mẹ anh khiến bà rất lo lắng và đau buồn đến nỗi phát bệnh. Các anh chị ở nhà sốt ruột quá nhắn anh phải về gấp vì mẹ bệnh nặng, anh đành gác lại công việc và xin ông chủ nghỉ phép ít hôm để về thăm mẹ nhưng họ không đồng ý. Vì thương mẹ, anh buộc phải nhận mất việc làm để về quê thăm bà.
Về đến nhà anh giải thích với mẹ và anh chị, cả nhà hiểu ra chuyện và biết anh phải chịu nhiều vất vả nên khóc rất nhiều vì thương anh nên quyết định giữ anh ở nhà không cho đi nữa. Mẹ anh nói: “Ở nhà với mẹ, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, con không được đi đâu nữa. Xa mẹ, xa anh chị, đau ốm không ai lo”. Các anh chị dù là cùng mẹ khác cha nhưng từ nhỏ đã luôn yêu thương anh, không muốn anh phải chịu khổ nên cũng cố gắng khuyên anh ở nhà. Nghe lời mẹ và anh chị, Trung Trần đành phải ở nhà, nhưng trong lòng cứ thôi thúc anh trở lại Sài Gòn. Không phải anh đam mê phù phiếm xa hoa mà bởi vì hoàn cảnh gia đình anh đang rất thiếu thốn. Anh không quan tâm đến bản thân mình phải vất vả khổ cực thế nào, trong suy nghĩ của anh lúc đó chỉ có đau đáu hai từ “thoát khổ”. Một tháng sau thuyết phục được mẹ và anh chị nên anh được trở lại Sài Gòn tiếp tục thực hiện giấc mơ thay đổi hoàn cảnh cho gia đình. Lúc đó Trung Trần nghĩ: “Chỉ có con đường học tiếp mới có thể giúp anh có cơ hội tìm được công việc văn phòng và cải thiện được đồng lương để phụ giúp gia đình”.
Sau khi quay vào Sài Gòn, anh vừa đi làm vừa học thêm bổ túc. Trải qua biết bao khó khăn, thử thách, vì không có điều kiện nên anh phải làm đủ mọi việc để kiếm sống. Thời gian sau anh lên Bình Dương để tìm việc vì nghĩ rằng ở đó mức chi phí phòng trọ và ăn uống sẽ rẻ hơn ở Sài Gòn. Trung Trần xin được vào làm phục vụ tại một nhà hàng ở Bình Dương – thuộc chi nhánh của một công ty du lịch. Với bản tính siêng năng và làm việc có trách nhiệm, anh được Giám đốc công ty khuyến khích và tạo điều kiện về thời gian để anh có thể vừa học vừa làm. Lúc đó Trung Trần đăng ký học thêm các khóa học ngắn tại Đại học Kinh Tế. Đều đặn mỗi ngày, sau năm giờ chiều hết ca làm ở nhà hàng, anh thuê một chiếc xe máy với giá ba mươi ngàn đồng/buổi chạy từ Bình Dương xuống Sài Gòn đi học không quản nắng mưa, nguy hiểm. Lớp học bắt đầu từ sáu giờ chiều nên hầu như ngày nào anh cũng bị trễ, sau nhiều lần để ý các thầy cô biết rõ hoàn cảnh nên thông cảm cho anh. Không ngại khó khăn, gian khổ, Trung Trần ngày ngày đi học để góp nhặt kiến thức cho mình.
Thế nhưng khi anh hoàn thành các khóa học thì nhà hàng nơi anh làm việc bị giải thể do công ty cổ phần hóa và bán cho một tập đoàn khác ngành, họ phá bỏ nhà hàng để lấy đất sử dụng cho mục đích khác. Một lần nữa, anh vô cùng hụt hẫng vì gần năm năm làm việc tại đó, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu ước mơ và dự định sau khi học xong sẽ xin giám đốc cho làm công việc trong văn phòng chốc lát bị tan thành mây khói. Quá thất vọng, anh khóc ròng mấy ngày liền vì buồn và bị thất nghiệp, lo lắng không biết lấy đâu ra tiền để ra ngoài thuê được phòng trọ ở, tương lai mình rồi sẽ đi về đâu…
Tuy nhiên anh không bỏ cuộc, liền sau đó lại cần mẫn đi tìm việc làm. Lúc này mọi thứ đến với anh dễ dàng hơn vì với tấm bằng kế toán và chứng chỉ tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Thư ký Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Phát triển của Trường Đại học kinh tế TP.HCM, cộng với kinh nghiệm bao năm làm phục vụ trong ngành ăn uống, anh được nhận vào vào vị trí quản lý cho nhà hàng tiệc cưới “Hòa Bình” ở Lái Thiêu. Trong thời gian này anh quen biết và kết thân với một vài người bạn, họ tin tưởng và cùng anh lên kế hoạch để mở nhà hàng: mọi người bỏ tiền đầu tư, anh không có tiền góp vốn nên xin hùn bằng công sức…
Thành công chóng vánh và thất bại cùng cực
Tháng 11/2009, Nhà hàng “Phố ẩm thực Eva” ra đời và anh giữ vị trí Giám đốc điều hành. Nhà hàng được nhiều khách hàng ủng hộ nhờ cung cách phục vụ và chăm sóc tận tình của anh và đội ngũ nhân viên. Sau hai năm làm chung thì giữa nội bộ có sự tranh chấp, các cổ đông rút vốn, còn lại một cổ đông chính và anh. Sau đó cổ đông chính vì bận nhiều việc nên giao khoán lại cho anh tự làm, hàng năm đóng phí lại cho họ, lời ăn lỗ chịu. Lúc này Trung Trần rất vui mừng và hào hứng vì được tự do kinh doanh theo phong cách riêng của mình. Quả như anh mong ước, chỉ mới ba tháng doanh thu nhà hàng tăng đột biến. Thấy anh làm ăn ổn định, một số khách hàng của anh – họ là đại gia, quan chức của khu vực đó bắt đầu chú ý và cũng đầu tư vào lĩnh vực ăn uống, các nhà hàng mới mọc lên, được đầu tư quy mô hoành tráng hơn… Điều dĩ nhiên, họ hơn anh về cơ sở hạ tầng, về các mối quan hệ lớn, nên khi họ kinh doanh thì nhà hàng của anh bị mất đi một số lượng khách lớn. Việc kinh doanh của anh bắt đầu khó khăn khi doanh thu có phần đi xuống. Để không bị “chết chìm” dưới các đối thủ lớn, Trung Trần tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo phong cách phục vụ của nhân viên và chú trọng đến việc cải tiến các món ăn cũng như giá cả. Anh đích thân đi vào các công ty trong khu công nghiệp VSIP gõ cửa gửi thư mời dùng cơm trưa miễn phí để được chào mời thực đơn cho các buổi tiệc, anh triển khai chiến lược phục vụ cơm trưa tại nhà hàng và phục vụ tận nơi cho các công ty, dù mua một hộp anh cũng đi giao. Bằng sự nhiệt huyết và luôn phục vụ cho khách hàng một cách nhiệt tình nhất, nên ít nhiều anh cũng được các công ty đón nhận và ủng hộ, nhờ vậy nhà hàng của anh tiếp tục trụ được. Năm 2012 tình hình kinh tế có phần giảm sút, các doanh nghiệp cũng cắt bớt các khoản chi phí cho tiệc tùng liên hoan, kéo theo là sự ế ẩm của các dịch vụ ăn uống, giải trí nói chung và nhà hàng của anh nói riêng cũng bị ảnh hưởng lớn. Để níu kéo, anh tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, thay đổi bổ sung thêm các dịch vụ… Thế nhưng tiền đầu tư quá nhiều mà khó thu hồi, chi phí thì lớn. Cuối cùng, đến tháng 04/2012, Trung Trần chính thức đóng cửa nhà hàng vì không trụ nổi.
Đây được xem là một biến cố quá lớn cho sự khởi nghiệp của anh: mất tiền, mất công sức, mất thời gian, chỉ thêm được một thứ, đó là “nợ nần”. Đồng thời anh cũng mất đi nhiều mối quan hệ vì khi hay tin anh đóng cửa nhà hàng, một số bạn bè không muốn gặp gỡ vì họ sợ anh nhờ giúp đỡ hay vay mượn… Tất cả các khoản công nợ đổ hết lên đầu khiến Trung Trần gần như ngã quỵ. Quá đau buồn, hụt hẫng, anh không còn biết đường nào để giải quyết, cuối cùng Trung Trần tự đưa ra quyết định là phải đối diện với sự thật: anh họp toàn bộ nhân viên lại, xin họ cho anh được ghi nợ tiền lương vì giờ anh không biết lấy đâu ra tiền để trả. Anh khóc trước mặt nhân viên và xin lỗi họ, anh nhận về mình sự bất tài và anh không may mắn nên kéo theo họ phải bị liên lụy, nhiều người cũng khóc theo anh. Có người thông cảm cho anh, nhưng cũng vài người có ý định siết đồ ở nhà hàng, anh nói mọi người ai lấy được gì ở nhà hàng thì cứ lấy để trừ lương vì anh cũng không còn giữ làm gì nữa. Giải quyết xong phần nhân viên thì đến phần các đối tác nhà cung cấp, họ cũng thông cảm và mong anh sớm vượt qua khó khăn lúc này để có cơ hội làm lại trả cho họ sau. Tuy nhiên điều khiến Trung Trần suy sụp nhất chính là anh bị vợ chồng chủ đầu tư nghi ngờ để dành tiền riêng làm việc khác và không muốn trả cho họ. Một buổi tối họ mời anh đến nhà và người vợ bắt anh phải ký tên và lăn tay vào giấy xác nhận nợ. Liền lúc đó ông chồng về và gọi điện cho giang hồ đến bắt anh phải để lại chiếc xe máy mà anh đang đi đồng thời để lại toàn bộ những gì anh xây dựng và đầu tư thêm cho nhà hàng. Có nghĩa là anh chỉ bước ra khỏi nhà hàng bằng hai bàn tay trắng, ngay cả chiếc xe máy làm phương tiện cuối cùng cũng bị họ giữ lại.
Anh như người bị chặt đứt đôi chân, anh bước đi như vô hồn ra nhanh khỏi nhà họ. Bắt chiếc xe ôm ở gần đó, anh hối họ chạy thật nhanh về thành phố mà chưa định hình được là sẽ đi đâu. Nước mắt anh rơi như mưa không còn kiểm soát được. Anh giục người tài xế chạy thật nhanh như muốn thoát khỏi cái nơi mà anh đã sống gần mười năm, biết bao kỷ niệm, biết bao ước mơ, biết bao bạn bè thân hữu, nhưng sao lúc này nó thật đáng sợ đối với anh… Trong túi chỉ còn hai trăm ngàn đồng, anh nhờ xe ôm đưa xuống nhà người bạn ở Sài Gòn xin tá túc một đêm rồi tính tiếp. Sáng hôm sau nghe anh kể câu chuyện của mình, người bạn thương tình đi thuê giúp anh một căn phòng trọ và cho mượn chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại. Anh buồn và suy sụp tinh thần chỉ nằm ở trong phòng cả ngày không buồn ăn, cứ như vậy gần một tháng trôi qua mà anh chưa hoàn hồn. Sau thời gian được bạn động viên anh bắt đầu dần ổn định lại tinh thần. Nằm miên man, anh chợt nghĩ nhiều về gia đình và Trung Trần bắt đầu nghĩ đến ba ruột của mình…
Lúc đó, Trung Trần “cầu cứu” ba anh và được ông giới thiệu với người cô họ là bà Trần Thị Hường – cố vấn cấp cao của Nam Á Bank, Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu – “bà trùm” trên thị trường tài chính lúc bấy giờ.
Vì thương cháu, bà Hường đã giúp anh trả nợ và nhận anh về Hoàn Cầu làm việc cho bà, anh được quyết định về làm Phó giám đốc Sân Golf Diamond Bay Nha Trang, thấy anh có sự cầu tiến, bà Tư cho anh ra thành phố Nha Trang nhận nhiềm vụ trưởng phòng kinh doanh khu căn hộ – khách sạn Nha Trang Center để tiện việc đi học thêm nghiệp vụ, 6 tháng sau đó sau khi học xong anh được bổ nhiệm quay lại nhận chức vụ Phó giám đốc sân golf Diamond bay Nha Trang đến tháng 04/2013 anh về lại Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới… Từ năm 2013 đến 2016, Trung Trần giữ vai trò quản lý mọi hoạt động của hai hãng phim: Hãng Phim Truyện Nhà Văn Việt Nam, Hãng Phim Media và kiêm luôn chức danh Giám đốc điều hành công ty cổ phần Đông Dương (nhà hàng Biển nhớ), Giám đốc công ty TNHH Cần Khỏe Đẹp. Năm 2017, anh sáng lập và chính thức công bố dự án “Ngôi Sao Doanh Nhân Việt” cực đỉnh dành riêng cho giới doanh nhân Việt Nam.
Thành công nhưng đơn độc
Trải qua những thăng trầm và tuổi thơ khốn khó, Trung Trần luôn dè chừng với mọi thứ và đơn độc trong cuộc sống. Lần đầu tiếp xúc mọi người sẽ không có nhiều thiện cảm với anh nhưng nếu đã trò chuyện vài lần sẽ hiểu rõ Trung Trần thuộc tuýp người rất sâu sắc và ấm ấp thiên về nội tâm, Đạt được những thành tựu như hiện tại nhưng chưa bao giờ Trung Trần cho rằng mình đã thành công: “Cuộc sống hiện tại của tôi là sự tri ân dành cho những người đã giúp đỡ tôi khi khốn khó. Lúc tôi gục xngã, chính xã hội đã nâng tôi dậy. Khi tôi yếu đuối, cộng đồng đã vực tôi lên. Cuộc đời này của tôi nguyện sống thật tốt đẹp để cống hiến và sẻ chia…”. Thông minh, linh hoạt, nhạy cảm và luôn đề cao quan điểm tích cực tư duy tiếp thu cái mới, Trung Trần đã và đang là một “nhân hiệu” thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân – nghệ sĩ. Không dừng lại ở việc ca ngợi và tôn vinh, những giá trị nhân văn Trung Trần mang lại luôn khiến mọi người yêu thương và thán phục.
Ngày 17/08/2017 vừa qua, Đêm Gala tôn vinh Ngôi Sao Doanh Nhân Việt do anh sáng lập, và đồng thời làm trưởng BTC kiêm luôn tổng đạo diễn đã được cộng đồng doanh nhân Việt Nam hoan nghênh đón nhận tại Nhà hát Quân Đội phía Nam TP.HCM, sự kiện diễn ra rất thành công và khá quy mô, hoành tráng. Sự kiện là đêm gala tôn vinh tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái của các Doanh nhân Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, thông qua 06 hạng mục được đề cử với gần 1000 khách mời là nghệ sĩ và doanh nhân tham dự.
Sau sự kiện rực rỡ này công ty trước đây của anh cũng chính thức đổi tên lấy tên mới: Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Ngôi Sao Doanh Nhân Việt Nam – và anh đang giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, trực tiếp điều hành mọi hoạt động.
Với suy nghĩ sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất để cống hiến cho đời và tri ân những người đã yêu thương mình, Trung Trần luôn nỗ lực không ngừng để tiến lên phía trước. Năm 2012, Trung Trần tham gia sáng lập quỹ Thắp Sáng Niềm Tin của BinhDinhFFC. Năm 2015, anh sáng lập quỹ Hạnh Phúc cùng với người chị kết nghĩa Đạo diễn – diễn viên Việt Trinh và người anh kết nghĩa xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện gây quỹ giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh bất hạnh và đặc biệt là các em học snh hiếu học nhưng đang có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng hành cùng Ban Đầu Tư – CLB Doanh nhân Sài Gòn, Trung Trần đã làm đạo diễn cho hai chương trình của CLB khá mới lạ: “Hội khai xuân” và “Đêm Gala Tình”, thêm một lần nữa khẳng định khả năng chuyên môn và sự tâm huyết đối với nghề của anh – một đạo diễn còn trẻ về tuổi nghề, nhưng luôn mong muốn mang đến những giá trị nhân văn và sâu sắc nhất cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trên toàn quốc.
Nhân kỷ niệm 13 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Văn hóa Doanh nhân Việt Nam kính chúc doanh nhân – đạo diễn Trung Trần sẽ sáng tạo không mệt mỏi, cống hiến thêm thật nhiều những giá trị tinh thần bổ ích cho xã hội và không ngừng tiến lên phía trước, chạm đến vinh quang tươi sáng hơn như giấc mơ của tuổi thơ anh đã từng mơ ước sẽ làm được và đó là món quà vô giá anh xin dành tặng cho mẹ!
BL Nguyễn – Photo: Tuấn Nguyễn