Con trâu qua bộ sưu tập tranh dân gian của người Pháp
baotram
Trong bộ sưu tập tranh dân gian do Maurice Durand sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội, chúng ta bắt gặp hình ảnh con trâu gắn liền sinh hoạt nông nghiệp của người nông dân.
Sách Tranh dân gian Việt Namsưu tầm và nghiên cứu (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM tái bản lần một, năm 2021) giới thiệu một phần bộ sưu tập gồm hơn 400 bức tranh dân gian. Đây là những tác phẩm được Maurice Durand sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội, kèm theo đó là những nghiên cứu, phân tích, bình chú của ông. Theo nhóm biên soạn cuốn sách (Marcus Durand – con trai Maurice Durand – và Philippe Papin), đây là bộ sưu tập quan trọng bậc nhất (xét khía cạnh toàn diện) còn được lưu giữ tính đến thời điểm này.
Chủ đề trong bộ sưu tập tranh rất đa dạng và phong phú, phản ánh nhiều mặt của đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Một trong những chủ đề tiêu biểu của bộ tranh đó là “Cuộc sống thường nhật & nhịp độ thiên nhiên”. Ở chủ đề này, bạn đọc sẽ bắt gặp hình ảnh con trâu gắn liền sinh hoạt nông nghiệp của người nông dân ở nông thôn. Trong ảnh là những cảnh khác nhau về công việc đồng áng, trong đó có hình ảnh người nông dân buộc thừng vòng qua cổ, vai con trâu, chuẩn bị các nông cụ để đi cày hoặc bừa.
Trong ảnh là hai bức tranh có bố cục giống nhau. Phần trên là ngôi nhà ở thôn quê gồm có chuồng chim bồ câu, gia cầm, hoạt động đập lúa, xay thóc, giã gạo, sàng sảy gạo. Phần dưới là các thao tác liên quan việc trồng lúa: Cuốc đất, tát nước, gieo giống, trâu cày ruộng, cấy lúa, gặt lúa, gánh lúa về nhà.
Trong ảnh là những bức tranh về cày bừa. Bức tranh bên phải thể hiện chàng trai đang nghỉ ngơi sau buổi cày ruộng. Cùng một chủ đề và cách bố cục, hình ảnh đối diện (tranh bên trái), phía trên, nông dân nghỉ ngơi sau buổi cày ruộng; phía dưới, nông dân nghỉ ngơi sau khi đã bừa ruộng. Dòng chữ Hán ở tranh bên trái phía trên: “Thiên hạ thái bình”; phía dưới: “Nhân dân yên lạc” (nhân dân yên vui). Những bức tranh này là lời cầu chúc cho năm mới bình an, được nghỉ ngơi vui vẻ.
Trong ảnh là bộ tranh tứ bình thể hiện 4 nghề nghiệp. Từ trái qua phải: (1) Người đánh cá (ngư): Cậu thiếu niên đứng giữa hai người câu cá, một tay cầm cá, tay kia chỉ người câu cá bên trái như muốn nói rằng chính người này đã cho chàng con cá đó. Người câu cá bên phải tỏ vẻ đồng tình; (2) Người đốn củi (tiều): Hai bác tiều phu và một cậu bé đang gánh củi từ rừng về; (3) Người nông dân (canh): Mục đồng cưỡi trâu đi giữa hai bác nông dân vai mang nông cụ; (4) Trí thức (độc/ đọc): Thầy đồ dạy học trò học đọc, học viết.
Một phiên bản khác của bộ tranh tứ bình minh họa bốn nghề ngư, tiều canh, độc.
Tranh chăn trâu thổi sáo và thả diều. Mục đồng chăn trâu được thể hiện ở đây biểu trưng cho thời kỳ hòa bình an lạc. Mục đồng bên trái đang thổi sáo, ngồi trên hoa sen và nhiều loại hoa khác mới hái xong. Dòng chữ Hán tranh bên trái là “Hà diệp cái thanh thanh” (Lá sen che như chiếc lọng xanh xanh); bên phải là “Vũ thu phong nhất dực” (Một cánh diều bay giữa gió thu).
Tranh thể hiện công việc đồng áng với ước mong mùa màng bội thu. Tranh bên trái có dòng chữ “Canh nông vi bản” (Nông nghiệp là gốc); tranh bên phải “Tăng gia sản xuất”. Liên kết hai hình ảnh và chú thích mỗi hình, có thể hiểu ngụ ý ở đây là: “Nông nghiệp là gốc [nên phải] tăng gia sản xuất” (Canh nông vi bản tăng gia sản xuất).
Trong ảnh là 2 bức tranh Tết phản ánh công việc đồng áng, trong đó có hình ảnh con trâu đi cày và con trâu đang nằm nghỉ. Lời chúc trong tranh bên trái là Nhất bản vạn lợi (Một vốn vạn lời); trong tranh bên phải là Bách mẫu dư điền (Có hơn trăm mẫu ruộng).
Ngoài hình ảnh con trâu trong sinh hoạt nông nghiệp, bộ sưu tập còn có những tranh minh họa con trâu trong lịch sử và trong văn học. Trong ảnh là tranh về câu chuyện Ngưu Lang (chàng chăn trâu) Chức Nữ (nàng dệt vải).