Site icon Sức Khoẻ và Sắc Đẹp

Đã có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

3Cachly

Đến nay, đã có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng gồm các tỉnh, thành phố Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái và TP Hồ Chí Minh.

Sau 34 ngày Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 29/4, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên và ngay sau đó, một loạt trường hợp nhiễm mới đã được phát hiện. Đợt dịch này có những diễn biến khó lường hơn khi ca mắc mới đã cách ly nhưng vẫn ủ bệnh, gây lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, số vụ nhập cảnh trái phép qua biên giới trên bộ và trên biển vẫn không ngừng gia tăng và nguy hiểm nhất là trong kỳ nghỉ lễ dài, nhà nhà đi du lịch. Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và đang có nguy cơ xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố.

Trưa 2/5, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp sinh sống tại Hà Nội. Đây là các ca bệnh liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc được cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2 (tỉnh Yên Bái), nơi có 4 trường hợp người Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội đã tiến hành truy vết và thực hiện cách ly với các trường hợp F1 và cách ly tại nhà với các trường hợp F2.

Liên quan đến ca bệnh số 2899 ở tỉnh Hà Nam là nguồn lây cho 15 bệnh nhân tại 4 tỉnh thành Hà Nam; Hà Nội, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh, sau khi truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh này, hơn 690 người đã được cách ly, số ca F2 là hơn 1.900 trường hợp.

Tỉnh Hưng Yên đã lấy mẫu xét nghiệm toàn thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến, huyện Phủ Cừ với 1134 mẫu, kết quả 785 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Liên quan đến trường hợp chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19, 5 người tiếp xúc gần ở tỉnh Vĩnh Phúc được xác định là có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngay trong chiều 2/5, Bộ Y tế đã có cuộc kiểm tra, làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Chỉ từ một lỗ hổng nhỏ trong khu cách ly, đến nay, dịch COVID-19 đã quay trở lại, khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn để ngăn chặn sự lây lan. Đây là bài học sâu sắc từ tỉnh Hải Dương trong đợt dịch trước và nay lại lặp lại ở tỉnh Yên Bái. Do đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần cá thể hóa trách nhiệm. Đây là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong sáng 2/5 tại Văn phòng Chính phủ.

Phòng dịch COVID-19 khi đi du lịch

Sân bay, nhà ga, các bến xe là những nơi tập trung đông người. Trước khi đến đây, người dân cần:

– Chủ động khai báo y tế tại địa chỉ tokhaiyte.vn. Việc này sẽ giảm thời gian làm thủ tục, hạn chế tiếp xúc.

– Chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn.

– Trên máy bay có khăn tẩm cồn 60 độ để sát khuẩn tay.

– Giữ khoảng cách, không tập trung đông người.

– Khi đi lại cần ghi nhật ký hành trình để tiện truy vết trong trường hợp xuất hiện ca bệnh.

Hà Nội và một số địa phương đã yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin/khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác… trực thuộc. Những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 khác cần phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Các triệu chứng của bệnh COVID-19

Virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở trong không gian kín. Thời gian ủ bệnh của COVID-19 từ 2 – 14 ngày, trung bình từ 5 – 7 ngày.

Người mắc COVID-19 có các mức độ biểu hiện lâm sàng gồm:

– Không có triệu chứng.

– Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính.

– Mức độ vừa: Viêm phổi.

– Mức độ nặng: Viêm phổi nặng.

Triệu chứng khởi phát thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết chỉ thấy sốt nhẹ, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau 1 tuần.

Với những bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường vào khoảng 7 – 8 ngày.

Đáng chú ý, ở trẻ em, đa số trẻ có biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng.

Theo VTV
Exit mobile version